Xuất khẩu thực phẩm qua được Nhật - tấm vé thông hành đến các thị trường khác

2023-10-19

Chiều 29-9, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam tổ chức Hội thảo Các yêu cầu quy định nhập khẩu thực phẩm của thị trường và lợi ích khi áp dụng tiêu chuẩn (JFS-C) đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản.



Chiều 29-9, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam tổ chức Hội thảo Các yêu cầu quy định nhập khẩu thực phẩm của thị trường và lợi ích khi áp dụng tiêu chuẩn (JFS-C) đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), hiện Việt Nam và Nhật Bản đã tham gia 4 hiệp định thương mại, do đó có nhiều cơ hội để xuất khẩu sản phẩm nông sản, phát triển thương mại và cơ hội đầu tư.

Nhật Bản là đối tác thứ 3 về xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam. Tuy vậy, thị trường Nhật Bản luôn có quy định chặt chẽ, giám sát rất kỹ về an toàn thực phẩm, dư lượng chất bảo quản. Nếu doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn Nhật Bản thì có thể xuất khẩu sản phẩm qua nhiều thị trường khác được thuận lợi.

Các doanh nghiệp tham dự hội nghị ảnh 1

Các doanh nghiệp tham dự hội nghị

Riêng thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá, Nhật Bản chiếm 15-17% kim ngạch xuất khẩu, là nước đứng thứ 2 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Trong đó, năm 2018 thủy sản xuất khẩu Nhật Bản đạt hơn 1,3 tỷ USD; năm 2022 đạt hơn 1,7 tỷ USD. Riêng tôm đứng vị trí số 1 tại thị trường Nhật Bản, chiếm khoảng 25% thị phần.

Về mục tiêu hướng đến 2 tỷ USD, các doanh nghiệp có cơ hội với Hiệp định CPTPP tạo cơ hội nguồn nguyên liệu gia công, chế biến xuất khẩu từ Nhật Bản. Đồng thời, Nhật Bản hợp tác và hỗ trợ tích cực về công nghệ cho ngành khai thác, chế biến thủy sản tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường Nhật Bản có quy định khắt khe, như: kiểm soát chặt dư lượng hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thủy sản; các doanh nghiệp chưa tận dụng được hết ưu đãi thuế quan của Hiệp định VJ FTA; sản phẩm có giá thành cao hơn các nước khác; doanh nghiệp chỉ vi phạm một lần về an toàn thực phẩm sẽ bị nâng cấp kiểm soát, thậm chí có thể bị kiểm soát 100%. Cho nên, các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này đòi hỏi phải đảm bảo an toàn thực phẩm ở mức độ cao.

Theo Hiệp hội Quản lý an toàn thực phẩm Nhật Bản, hiệp hội đã công nhận Công ty cổ phần Chứng nhận và giám định VinaCert là tổ chức đầu tiên của Đông Nam Á chứng nhận được tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm (JFS-C). Bộ tiêu chuẩn được Tổ chức Sáng kiến an toàn thực phẩm toàn cầu công nhận phù hợp với các yêu cầu mới nhất về chuẩn mực an toàn thực phẩm. Đây là tiêu chuẩn tự nguyện nhưng JFS-C đã được các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm Nhật Bản tin tưởng. Nếu doanh nghiệp đạt được tiêu chuẩn này cũng giống “giấy thông hành” để hàng hóa thuận lợi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, cũng như các nước khác.