Cuộc cách mạng mới trên những cánh đồng miền Tây Nam bộ

2023-06-22

Kinh tế tập thể đang là làn gió mát lành thổi trên những cánh đồng miền Tây Nam bộ, từng bước xóa bỏ cạm bẫy, lời nguyền của vùng đất này.



Kinh tế tập thể đang là làn gió mát lành thổi trên những cánh đồng miền Tây Nam bộ, từng bước xóa bỏ cạm bẫy, lời nguyền của vùng đất này.

Kinh tế tập thể trên những cánh đồng miền Tây Nam bộ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Kinh tế tập thể trên những cánh đồng miền Tây Nam bộ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

1.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng kể một câu chuyện: Trước thời điểm ra Hà Nội công tác ông đã đi thăm bà con ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, trong đó có người từng viết thư gửi Thủ tướng đề nghị có chính sách hỗ trợ để người trồng lúa. Người nông dân đó gửi gắm với ông Lê Minh Hoan rằng, ra ngoài đó nhờ ông chuyển đến Trung ương, đến Chính phủ quan điểm của chúng tôi như vầy: Nếu người trồng lúa có lợi nhuận, nông dân đồng bằng sẵn sàng mang mùng mang chiếu ra ngủ ngoài ruộng để giữ đất lúa, để góp phần với đảm bảo an ninh lương thực với Chính phủ. Ngược lại, nếu lợi nhuận thấp, trồng lúa rủi ro chúng tôi sẽ bỏ ruộng.

Câu chuyện đó đã từng được ví như “cái bẫy” hay “lời nguyền” đối với Đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ với người trồng lúa mà còn ở nhiều ngành hàng nông nghiệp khác. Trái cây, thủy sản, chăn nuôi… Sản xuất nhỏ, chi phí đầu tư cao, mù mờ về thị trường, quy trình sản xuất chưa đảm bảo các tiêu chuẩn thị trường đã dẫn đến tình trạng được mùa mất giá, biết rồi khổ lắm nói mãi. Cái sự manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nông nghiệp vùng đất Tây Nam bộ càng trở nên thách thức khi đối mặt với biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Quả lắm điều nan giải. Tuy nhiên, chính từ trong gian khó đó người nông dân Tây Nam bộ đã cùng nhau thay đổi. Cuộc cách mạng mang tên kinh tế tập thể với tư duy mới giống như cơn gió mát lành mải miết thổi trên những cánh đồng miền sông nước. Nhiều tháng trời tìm tòi, khảo sát, tác nghiệp tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau… đã cho chúng tôi thêm nhiều trải nghiệm, thông tin cũng như cảm nhận rõ hơn về sự thay đổi của bà con nơi đây.

Mô hình hợp tác xã kiểu mới ở Kiên Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Mô hình hợp tác xã kiểu mới ở Kiên Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Thì vẫn đó những phẩm chất xưa nay như chất phác, chịu thương chịu khó, tài giỏi, bao dung và hào phóng nhưng giờ đây tư duy bà con nông dân miền Tây Nam bộ đã không còn bó buộc, manh mún như ngày trước. Bà con đồng bằng đã biết sản xuất theo tín hiệu thị trường, biết liên kết, chia sẻ cùng nhau, liên kết chia sẻ cùng hợp tác xã, doanh nghiệp để tính chuyện đưa hạt lúa, trái xoài, con cá đi xa hơn, đến nhiều thị trường hơn. Rồi tích hợp đa giá trị sản phẩm nông sản, phát huy tài nguyên bản địa, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, chế biến, mô hình du lịch cộng đồng, khơi thông dòng chảy nông sản, khơi thông giá trị văn hóa vùng đất và khơi thông cả đầu óc tư duy con người.

Đó là đất Mũi Cà Mau, nơi bà con nuôi tôm dưới tán rừng đước ngập mặn liên kết với nhau, liên kết với hội quán, hợp tác xã, doanh nghiệp để xác lập nên kỷ lục Vùng nuôi tôm sú sinh thái hữu cơ trong khu vực rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam. Thật sướng khi nghe ông Ngô Thanh Hiền, 50 tuổi, ngụ tại ấp Ông Trang, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển khi tham gia mô hình liên kết nuôi tôm rừng sinh thái kể, trước đây nuôi theo kiểu truyền thống, thu nhập cũng tương đối ổn định nhưng qua một vài năm môi trường nước có dấu hiệu bị ô nhiễm, năng suất giảm, có những vụ mất trắng mà không biết phải làm sao. Kể từ khi chuyển sang nuôi tôm rừng sinh thái hầu như không cần sử dụng máy móc, hay làm việc nặng gì cả. Vợ chồng, con cái có thời gian làm việc khác, vừa có mức thu nhập ổn định khoảng  200 - 220 triệu đồng/năm.

Đó là Đồng Tháp, nơi xây dựng mô hình hội quán riêng có của tỉnh để bà con ngồi lại với nhau rồi từ đó phát triển thành các hợp tác xã. Một trong những điển hình ở Đất Sen Hồng là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới, được thành lập từ hai hội quán Đồng Tâm và Thịnh Hưng. Giám đốc Võ Tấn Bảo chia sẻ, “Chăm chỉ - Tự lực -Hợp tác” là phương châm của hội quán và các hợp tác xã cũng vậy. Không chỉ riêng Tịnh Thới mà các hợp tác xã nông nghiệp khác ở Đồng Tháp đang lớn dậy từng ngày từ “hồn cốt” của mô hình hội quán. Nói "cách mạng” xem chừng to tát, nhưng một khi bà con đã biết “cùng nhau” thì không có việc gì khó khăn.

Và đó còn là những con người tiên phong, có vai trò dẫn dắt, vận động bà con, cộng đồng cùng nhau thay đổi.

Tôi đã gặp anh Trịnh Văn Cường, người nhiều ruộng nhất Bạc Liêu, thành lập hợp tác xã bởi vì bà con mình toàn làm lúa kiểu tự bơi không à, cho nên tui mới nghĩ, nếu tập hợp được bà con lại với nhau để vào hợp tác xã “cùng đầu vào, đầu ra”, đặt vấn đề lợi nhuận ít thôi, mục đích chính là chia sẻ lại cho bà con chắc chắn sẽ cùng nhau đi lên. Hay như Lê Minh Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Hưng ở tỉnh Kiên Giang, người đã xây dựng mô hình kinh tế tập thể kiểu mới ở Giục Tượng chỉ với bí quyết: Đã làm hợp tác xã thì phải chịu khó tìm tòi để mở những dịch vụ người dân cần. Cứ cái gì có lợi cho dân thì làm, có như thế bà con mới tin tưởng mà tham gia.

 

Cùng nhau thay đổi, cùng mua, cùng bán và cùng đi, kinh tế tập thể ở miền Tây Nam bộ không chỉ lan tỏa đến từng vùng đất, con người mà còn là sức hút để nhiều người trẻ trở về quê lập nghiệp. Vùng Đồng Tháp mười, vùng Tứ giác Long Xuyên ngày càng xuất hiện nhiều bạn trẻ trở bỏ phố về quê thành lập hợp tác xã.

Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP ở tỉnh Hậu Giang có Hội đồng quản trị gồm ba người thì hai trong số họ có bằng thạc sĩ. Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Đửng vốn là du học sinh, có thể nói thành thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Giám đốc Trần Bá Sơn cũng là thạc sĩ. Trong số 95 thành viên góp vốn ban đầu có đến 9 người trình độ kỹ sư… Hợp tác xã Mỹ Tịnh An ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang của Võ Chí Thiện và Văn Tấn Phương cũng đặc biệt như thế. Học xong đại học, ở lại Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp nhưng mỗi lần về thăm cha thăm mẹ, chứng kiến cảnh bà con lầm lụi trong cảnh được mùa mất giá, trong đó có cả người thân của mình, năm này qua năm khác đều theo một “quy luật” như thế, năm 2009 Phương và Thiện quyết định trở về. Họ cùng nhau liên kết sản xuất, cùng nhau khởi nghiệp, cùng nhau khơi dậy giá trị bản sắc quê hương.

Thành thử nói Kinh tế tập thể trên những cánh đồng miền Tây Nam bộ là một cuộc cách mạng mới chính từ những điều như thế.

2.

Loạt bài "Kinh tế tập thể trên những cánh đồng miền Tây Nam" bộ bao gồm 12 bài viết, trong đó có 9 bài là thực tiễn các mô hình, cách làm hay cũng như những ý kiến đóng góp từ cơ sở để kinh tế tập thể phát huy vai trò mạnh mẽ hơn. 3 bài viết phỏng vấn, lấy ý kiến chuyên gia, lãnh đạo địa phương nhằm kiến nghị Đảng, Nhà nước có thêm cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể một cách hiệu quả hơn.

Cùng với đó, những hạn chế, rào cản, nút thắt trong quá trình phát triển kinh tế tập thể cũng đã được ghi chép, phản ánh chân thực qua loạt bài nhằm góp phần chuyển tải thông tin từ cơ sở đến các cơ quan quản lý Nhà nước kịp thời ban hành các chính sách tháo gỡ, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, tìm ra giải pháp tối ưu nhất để nhân rộng các mô hình ra toàn quốc.

Sau khi đăng tải đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao của độc giả, các chuyên gia, nhà quản lý của các Bộ, ngành liên quan, các địa phương… Các mô hình, cách làm của các hợp tác xã nêu trong loạt bài vinh dự đón nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương đến tìm hiểu, trao đổi nhằm góp phần hoàn thiện các chính sách liên quan đến kinh tế tập thể trong giai đoạn hiện nay.

Từ thực tiễn các bài viết trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm, hội thảo để phân tích, làm rõ thêm những vấn đề về kinh tế tập thể, hợp tác xã. Cùng thời điểm đó Ban Chấp hành Trung ương cũng đã ban hành Nghị quyết lần thứ V, Khóa XIII (Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Loạt bài cũng đăng tải đúng vào thời điểm Chính phủ đã xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và trình Quốc hội, nhiều nội dung trong loạt bài “Kinh tế tập thể trên những cánh đồng miền Tây Nam bộ” đã được một số chuyên gia, bộ ngành, địa phương đưa vào ý kiến đóng góp xây dựng Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).