Xuất khẩu phập phồng lo mã số vùng trồng

2023-04-25

Nhiều thị trường nhập khẩu nông sản quan trọng yêu cầu cần phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Thế nhưng đáng lo ngại là tình trạng mã số không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật xuất hiện ngày càng nhiều, ảnh hưởng tới hình ảnh nông sản Việt.



Vì sao hơn 700 mã số vùng trồng bị thu hồi ?

Cục Bảo vệ thực vật (BVTV, Bộ NN-PTNT) cho biết hiện nay, cả nước có 6.439 vùng trồng ở 53/63 tỉnh thành và 1.618 cơ sở đóng gói tại 33 địa phương được cấp mã số xuất khẩu. Có 25 sản phẩm được cấp mã số như: thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối, khoai lang… xuất khẩu đi 11 thị trường là Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, UAE, Malaysia và Singapore. Có thể nói, mã số xuất khẩu đã trở thành yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục BVTV, thời gian đầu Tiền Giang là địa phương có số lượng mã số vùng trồng được cấp nhiều nhất. Tuy nhiên, hiện tại Đồng Tháp là địa phương thực hiện rất tốt và có lượng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói tăng nhanh. Đáng nói, bên cạnh việc nhiều mã số được cấp mới thì số lượng mã số bị thu hồi cũng đang gây lo ngại. Cụ thể, có hơn 700 mã số vùng trồng bị thu hồi chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Lâm Đồng…; phần lớn là các mã số vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc do không đáp ứng yêu cầu về chất lượng kỹ thuật.

Xuất khẩu phập phồng lo mã số vùng trồng - Ảnh 1.

Ngành nông nghiệp đang tăng cường quản lý, giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản

Tiền Giang là địa phương có số lượng mã vùng trồng bị thu hồi nhiều nhất với gần 450 mã số. Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang, giải thích: Thời điểm năm 2018, theo Văn bản 3690 của Bộ NN-PTNT thì Sở NN-PTNT giao việc này cho Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thực hiện. Do mới có yêu cầu và cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện như thế nào, vì vậy mà có thể cán bộ đi thống kê, ghi nhận số liệu trên địa bàn với mục đích nhanh chóng đáp ứng yêu cầu về thủ tục, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của bà con. Đến giai đoạn 2020 - 2021, việc này được giao về cho ngành BVTV với những quy định rõ ràng và văn bản hướng dẫn cụ thể hơn.

 "Chúng tôi tiếp nhận công việc và rà soát lại toàn bộ mã số trên địa bàn theo các quy định hiện hành thì phát hiện có những mã số không còn tồn tại trên thực tế, một số chuyển đổi mô hình hoạt động, nên chúng tôi đã kiến nghị Cục BVTV hủy hoặc thu hồi những mã số đó", ông Men nói và khẳng định những mã số hiện tại, chỉ một vài mã có thiếu sót về mặt kỹ thuật đã được Sở NN-PTNT hướng dẫn hoàn thiện, chuẩn hóa theo đúng quy định. Về cơ bản, các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh đều không xảy ra vấn đề gì nên không ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có hơn 20.000 ha diện tích vùng trồng được cấp mã số, phần lớn là sầu riêng. "Chúng tôi đang tích cực hỗ trợ người dân thực hiện việc cấp mã số với mục tiêu đến năm 2025 có đến 70% diện tích sầu riêng và 50% diện tích cây ăn trái nói chung sẽ có mã số với tổng diện tích trên 40.000 ha", ông Men nói.

Xuất khẩu phập phồng lo mã số vùng trồng - Ảnh 2.

Tăng cường bảo vệ mã số

Lãnh đạo Cục BVTV cho biết trong thời gian qua nhiều nước nhập khẩu liên tục nâng cao các rào cản kỹ thuật, yêu cầu sản phẩm phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để buộc chúng ta nâng cao chất lượng sản phẩm. Thế nhưng tại địa phương, nhiều tổ chức và cá nhân chỉ mới tập trung vào công tác mở rộng số lượng diện tích vùng trồng và cơ sở đóng gói mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát các vùng nhằm đảm bảo tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Có tình trạng một số hồ sơ ở các địa phương khác nhau, trên các đối tượng cây trồng khác nhau lại giống nhau đến 99%; thậm chí là giống từng dấu chấm, dấu phẩy. Nhiều trường hợp hồ sơ làm rất bài bản nhưng hoàn toàn không đúng theo yêu cầu của sản phẩm hoặc thị trường xuất khẩu.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, cho biết: Việc không tuân thủ nghiêm các quy định về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đặt ra nhiều thách thức đối với việc xuất khẩu sản phẩm trồng trọt của VN, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ bị dừng xuất khẩu toàn ngành hàng. Chính vì vậy, để đảm bảo tuân thủ đúng yêu cầu xuất khẩu, tất cả các bên liên quan trong chuỗi cần hiểu rõ quy định và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết. Trong thời gian tới phải quản lý chặt chẽ hơn nữa vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói.

Xuất khẩu phập phồng lo mã số vùng trồng - Ảnh 3.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Vĩnh Long, phản ánh việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh lực lượng nhân sự mỏng, khó đảm đương hết công tác giám sát mã số, thì yêu cầu để có mã số cần phải có diện tích vùng trồng trên 10 ha, trong khi phần lớn diện tích sản xuất của người dân là nhỏ lẻ là chưa hợp lý. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận nông dân trong việc thực hiện cấp mã số, bảo vệ mã vùng trồng chưa cao. Nhiều người trồng sầu riêng vẫn nghĩ nếu không xuất khẩu được thì vẫn có thể bán tại nội địa.

Để khắc phục tình trạng nói trên, ông Võ Văn Men cho biết Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang tăng cường phối hợp với các huyện trong việc giám sát các mã số được cấp theo văn bản được hướng dẫn. Qua công tác giám sát, nếu các vùng trồng hay cơ sở đóng gói nào không thực hiện đúng sẽ kiên quyết thu hồi mã số để đảm bảo uy tín, thương hiệu của nông sản VN khi ra nước ngoài. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã trao đổi và kiến nghị với Cục BVTV, Bộ NN-PTNT về việc tăng cường trao đổi thông tin 2 chiều và liên tục hằng tuần, hằng tháng về số lượng mã số được cấp, lượng hàng hóa đã xuất để có cơ sở thực hiện giám sát tốt hơn. Ngoài ra, luật Trồng trọt (điều 64) có nội dung quy định về công tác quản lý mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, nhưng chưa có thông tư, nghị định hướng dẫn, nên cần sớm hoàn thiện để có cơ sở pháp lý tốt hơn khi triển khai thực hiện.

Ngày 23.3.2023, Bộ NN-PTNT đã có văn bản chỉ đạo số 1776 về việc giao cho sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố thực hiện cấp mã số và bảo đảm duy trì các điều kiện kỹ thuật đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã cấp. Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Cục BVTV cũng đã xây dựng văn bản hướng dẫn theo từng nội dung cụ thể và tập huấn triển khai cho các địa phương. Đối với việc giám sát sau khi được cấp mã số thì bên cạnh việc tự giám sát do tổ chức/cá nhân được cấp mã số tự thực hiện, còn có kế hoạch giám sát định kỳ do cơ quan quản lý tại địa phương tổ chức thực hiện để đảm bảo vùng trồng luôn duy trì tình trạng tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn với tần suất giám sát tối thiểu 1 lần/năm. Đối với vùng trồng, thời điểm giám sát phải tiến hành trước thời kỳ thu hoạch.

Nguồn THANH NIÊN