Giao thương nông sản Việt Nam - Ấn Độ: Tiềm năng lớn còn bỏ ngỏ

2023-04-20

Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, hai bên còn nhiều dư địa để thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản.



Chia sẻ tại buổi tiếp và làm việc với ngài Sandeep Arya, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam chiều 19/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTN Lê Minh Hoan cho rằng, mặc dù là 1 trong 4 quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam nhưng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, hai bên còn nhiều dư địa để cân bằng và thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo các đơn vị Bộ NN-PTNT tiếp và làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, ngài Sandeep Arya. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo các đơn vị Bộ NN-PTNT tiếp và làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, ngài Sandeep Arya. Ảnh: Phạm Hiếu.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Ấn Độ còn rất khiêm tốn khi chỉ đạt 465 triệu USD, chiếm tỷ trọng gần 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của Ấn Độ.

Theo Bộ trưởng, lý do đến từ việc rào cản thương mại, đặc biệt là thuế quan và phi thuế quan của Ấn Độ đối với nông lâm thủy sản Việt Nam còn tương đối cao. Các doanh nghiệp hai bên còn thiếu thông tin về nhu cầu thị trường, quy định nhập khẩu, kênh phân phối, các đầu mối nhập khẩu…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bên phải) tặng món quà là sản phẩm OCOP của Việt Nam cho ngài Đại sứ. Ảnh: Thanh Thủy.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bên phải) tặng món quà là sản phẩm OCOP của Việt Nam cho ngài Đại sứ. Ảnh: Thanh Thủy.

Theo đó, để có thể thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản song phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Ấn Độ sớm xem xét, mở cửa cho quả bưởi của Việt Nam

"Bộ NN-PTNT Việt Nam đã gửi thông tin kỹ thuật đối với vỏ hạt điều và nhân hạt điều cho phía Ấn Độ và chuẩn bị thông tin đối với lá quế khô và hạt điều màu để gửi cho phía bạn trong thời gian sớm nhất”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi thông tin liên quan tới vệ sinh kiểm dịch thực vật và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh giữa hai nước để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật.

Bộ trưởng cũng đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp nông lâm thủy sản, tăng cường trao đổi thông tin về nhu cầu thị trường, quy định nhập khẩu, kênh phân phối, các đầu mối nhập khẩu và kết nối doanh nghiệp với hệ thống phân phối của các nước.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng, Việt Nam và Ấn Độ nên hợp tác, áp dụng công nghệ 4.0 vào các lĩnh vực kiểm dịch động, thực vật cũng như an toàn thực phẩm.

Nhất trí với những ý kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Đại sứ Sandeep Arya khẳng định, mối quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam - Ấn Độ là nền tảng vững chắc để ngành nông nghiệp 2 nước thiết lập mối quan hệ hợp tác 2 bên cùng có lợi. Khoảng 10 năm qua, cả 2 nước đều tập trung phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ nên chưa chú trọng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, cần phải khẳng định, nông nghiệp là lĩnh vực có tác động trực tiếp đến người dân Ấn Độ cũng như người dân Việt Nam.

"Khoảng 5 - 7 năm vừa qua, ngành nông nghiệp 2 nước đã có nhiều thỏa thuận nhưng vẫn chưa tìm được những lĩnh vực then chốt, hiệu quả để hợp tác. Trong thương mại nông sản hay trao đổi, hợp tác trong nghiên cứu tất cả mới chỉ dừng ở mức chung chung, chưa có trọng tâm cụ thể. Thời gian tới, 2 bên cần có những định hướng cụ thể để có thể đẩy mạnh hợp tác một cách hiệu quả”, ngài Đại sứ nhấn mạnh.

Bộ NN-PTNT Việt Nam đã gửi thông tin kỹ thuật đối với vỏ hạt điều và nhân hạt điều cho Ấn Độ. Ảnh: TL.

Bộ NN-PTNT Việt Nam đã gửi thông tin kỹ thuật đối với vỏ hạt điều và nhân hạt điều cho Ấn Độ. Ảnh: TL.

Theo đó, Đại sứ Sandeep Arya cho rằng, cả Ấn Độ và Việt Nam đều đã vươn lên thành những quốc gia sản xuất nông nghiệp hàng đầu, đạt trình độ cao trên thế giới nên cần xác định những lĩnh vực chủ chốt, có lợi cho cả 2 bên để hợp tác. Ví dụ như biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu và sự nóng lên của toàn cầu, xử lý xâm nhập mặn, tái sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, sử dụng công nghệ thông tin, số hóa trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ vũ trụ để quản lý tài nguyên trong nông nghiệp…

Đại sứ Ấn Độ nhận định, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong sản xuất như nuôi trồng thủy sản, chế biến hạt điều… Bên cạnh đó, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế khi xuất khẩu nông sản sang thị trường thế giới.

“Ấn Độ mong muốn có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác song phương trong lĩnh vực sản xuất thủy sản cũng như những quy trình đáp ứng những tiêu chuẩn về kiểm địch thực vật, an toàn thực phẩm của Việt Nam”, ngài Sandeep Arya bày tỏ.

Nguồn NÔNG NGHIỆP