Xuất khẩu nông sản: Không còn chỗ cho làm ăn gian dối

2023-01-31

Hiện nay, cơ quan quản lý của các nước nhập khẩu có đầy đủ kinh nghiệm và công cụ để phát hiện ra sự gian dối nếu có trong quá trình giao thương nông sản.



Hiện nay, cơ quan quản lý của các nước nhập khẩu có đầy đủ kinh nghiệm và công cụ để phát hiện ra sự gian dối nếu có trong quá trình giao thương nông sản.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam tiếp tục phá kỷ lục với con số lên đến hơn 53 tỷ USD. Để đạt được những kết quả trên, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều thay đổi, không chỉ phát triển sản lượng mà còn nâng cao chất lượng hàng hóa, liên tục chinh phục được những thị trường cao cấp, giá trị lớn.

Tuân thủ quy định SPS là chìa khóa

TS Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, sau 20 năm tham gia vào thị trường xuất khẩu nông sản với giá trị ban đầu chỉ 20 triệu USD, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn của thế giới.

“Chúng ta không chỉ nâng cao chất lượng nông sản thực phẩm của Việt Nam mà còn tham gia vào việc ổn định thị trường nông sản thế giới và đảm bảo an ninh lương thực. Minh chứng là Việt Nam đang đóng góp 15% trong tổng lượng xuất khẩu lúa gạo của thế giới”, ông Lê Thanh Hòa cho biết.

Bên cạnh đó, rau quả và sản phẩm thủy sản cũng là những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Theo ông Hòa, thủy sản có thể được xem là lĩnh vực xuất khẩu thành công nhất của Việt Nam với khả năng đáp ứng được các quy định của những thị trường khó tính nhất như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…

Ngoài ra, năm vừa qua chúng ta cũng mở cửa thị trường được nhiều nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là thị trường cũng có những thay đổi rất lớn về hệ thống quả lý an toàn thực phẩm, các quy định ngày càng chặt chẽ hơn, không chỉ về quản lý hay thực hành mà còn liên quan đến tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân quốc gia này.

Sở dĩ có đươc những thành tựu đó là do thời gian vừa qua, Việt Nam liên tục hoàn thiện tất cả các hệ thống giám sát, quản lý về an toàn thực phẩm từ hệ thống luật pháp cho đến các công đoạn thực hành, áp dụng các tiêu chuẩn chế biến cao như ISO 22000 hay HACCP. Đây là những động lực đặc biệt để xuất khẩu nông sản Việt Nam có thể vươn lên thời gian vừa qua cũng như trong tương lai.

Bên cạnh sự dẫn đầu của sản phẩm thủy sản, các ngành hàng như cà phê, điều, rau quả hay chế biến thực phẩm của Việt Nam đã có nhiều thay đổi, cơ bản đáp ứng được những yêu cầu của các thị trường khắt khe nhất.

Theo quan điểm của TS Lê Thanh Hòa, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống thể chế pháp lý liên quan đến quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi cơ bản trong thực hành sản xuất.

“Chúng ta đã chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, không chứng nhận sang sản xuất tập trung, có nhiều chứng nhận từ VietGAP đến GlobalGAP để đi vào các thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Nhật Bản.. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng nông sản có giá trị cao, nông sản hữu cơ”, người đứng đầu Văn phòng SPS Việt Nam phân tích thêm.

Cũng theo ông Hòa, đây là bước chuyển mình của nông nghiệp Việt Nam trong xu thế mới khi mà chúng ta đã tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, được xem là những bàn đạp để thúc đẩy chuyển đổi trong sản xuất nông sản.

BAOIN SYNC

Các nông sản xuất khẩu cần được đầu tư thêm về yếu tố nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Tùng Đinh.

Và nếu không đảm bảo được chất lượng an toàn thực phẩm thì hàng hóa sẽ không thể xuất khẩu được, như vậy chỉ còn cách phải tuân thủ tất cả các quy định về SPS của các thị trường nhập khẩu mới là chìa khóa cho xuất khẩu nông sản.

Để đáp ứng được điều này, Việt Nam cần phải có sự thay đổi phù hợp trong hệ thống quản lý và Văn phòng SPS Việt Nam với vai trò là cơ quan đầu mối tiếp nhận các thông tin thay đổi của các nước thành viên cũng như các đối tác thương mại sẽ đảm bảo thông tin tới các cơ quan quản lý của Việt Nam để có thể đưa ra được những chỉ đạo phù hợp.

TS Lê Thanh Hòa cũng gợi mở rằng, sau những thành công ở thủy sản, rau quả và lúa gạo, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi vốn có nhiều thế mạnh nhưng mới chỉ khai thác được một góc rất nhỏ như thịt lợn, thịt gia cầm hay lợn sữa…

Nhưng để đẩy mạnh ngành hàng chăn nuôi, tạo đột phá trong xuất khẩu nông sản trong thời gian tới thì phải có sự thay đổi trong việc giám sát dịch bệnh, thiết lập được mạng lưới giám sát dịch bệnh trong ngành thú y tốt hơn. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư của nhà nước trong việc giám sát dịch bệnh cũng như xây dựng các vùng có thể quản lý được dịch bệnh.

Giá trị của thông tin khoa học

Có một thực tế là việc mở cửa thị trường đối với các sản phẩm rau củ, hoa quả nhiệt đới có rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là các quốc gia nhập khẩu đều yêu cầu phải đấnh giá rủi ro, trên cơ sở đó họ yêu cầu phải có những biện pháp xử lý kiểm dịch.

Ví dụ như với Mỹ và Australia, thường là yêu cầu thực hiện các biện pháp chiếu xạ, với Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan thì yêu cầu các biện pháp xông hơi nước nóng hay Trung Quốc cũng có những thỏa thuận iên quan đến biện pháp kiểm dịch với Việt Nam.

Theo TS Lê Thanh Hòa, có thể thấy các quốc gia nhập khẩu đang sử dụng các biện pháp đánh giá rủi ro như một rào cản trong thương mại. Do đó, việc đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản còn tùy thuộc vào nội tại của mỗi quốc gia vì đây là quá trình có sự cạnh tranh rất lớn.

Ví dụ như khi chúng ta được phép xuất khẩu bưởi sang Hoa Kỳ thì Trung Quốc là nước sản xuất bưởi lớn nhất thế giới cũng có thể gửi yêu cầu mở cửa thị trường cho quả này tới Washington. Hay khi đàm phán xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc thì nhiều quốc gia trong khu vực như Philippines, Campuchia cũng có nhu cầu này.

Tuy nhiên việc đánh giá rủi ro này cũng tùy thuộc rất nhiều vào những thông tin, cơ sở khoa học chúng ta cung cấp cho họ liên quan đến các đối tượng sâu hại, dịch bệnh gắn liền với sản phẩm nông sản đang kiến nghị mở cửa.

Do đó, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới việc phát triển hệ thống điều tra, nghiên cứu, đánh giá rủi ro dịch bệnh cũng như xây dựng các quy trình sản xuất để đáp ứng được các quy định của thị trường là điều rất cần thiết.

Cụ thể như các đề tài khoa học cần được mở rộng, không chỉ tập trung phục vụ nhu cầu trong nước mà phải đảm bảo đáp ứng được các quy định của thị trường nhập khẩu và cần tập trung vào các đối tượng đang cần được mở cửa.

TS Lê Thanh Hòa lấy ví dụ, để mở cửa thêm cho các hoa quả, rau củ vào các thị trường mới thì việc đảm bảo tính khoa học, gắn với quá trình sản xuất, giám sát sâu hại dịch bệnh cần có một hệ thống thông tin hoàn chỉnh, hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ và việc này có thể giao cho các cơ quan khoa học thực hiện. Như vậy chúng ta sẽ tận dụng được nguồn lực, thay vì đặt gánh nặng này lên các cơ quan quản lý nhà nước như Cục BVTV hay Cục Thú y…

“Nếu thông tin được cung cấp càng đầy đủ thì việc đánh giá, mở cửa thị trường càng tốt. Bên cạnh đó, cũng phải nhắc tới sức ảnh hưởng của quan hệ ngoại giao, quan hệ thương mại để có thể đẩy nhanh quá trình đánh giá rủi ro, mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam”, Giám đốc Lê Thanh Hòa khẳng định”.

Container LS-5 (2)

Cơ quan quản lý của các nước nhập khẩu có đầy đủ kinh nghiệm và công cụ để đánh giá nông sản nên sẽ không còn "cửa" cho làm ăn gian dối. Ảnh: Tùng Đinh.

Đừng tự trói chân mình

Cùng với việc mở cửa hàng loạt cho các sản phẩm nông sản thì một vấn đề cũng khiến các nhà quản lý phải trăn trở đó là việc giữ chữ tín, loại bỏ cung cách làm ăn gian dối trong giao thương.

Nhận định về vấn đề này, lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng vẫn còn không ít doanh nghiệp vì chạy theo lợi nhuận mà quên mất đi giá trị thương hiệu, giá trị của doanh nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa cũng như nguồn cung cho đối tác.

Theo ông Hòa, đây là những vấn đề tiên quyết rong việc xây dựng thương hiệu, muốn làm được phải có một chiến lược cụ thể từ xây dựng nguồn nguyên liệu cho đến việc sản xuất, chế biến đảm bảo được chất lượng, an toàn thực phẩm.

“Trong thương mại, ai cũng cần những đối tác tốt, bạn hàng tốt và chúng ta phải trung thực khi làm ăn với họ”, TS Lê Thanh Hòa nhấn mạnh.

Ví dụ, khi xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc, nếu doanh nghiệp làm ăn gian dối mượn mã vùng trồng, nhờ mã cơ sở đóng gói thì Hải quan Trung Quốc có đầy đủ kinh nghiệm và công cụ để tìm ra sự thật.

“Giả sử một mã số được cấp cho diện tích 20 ha thì các cơ quan chức năng có thể nắm được sản lượng tương đương, cả tối đa lẫn tối thiểu, chưa kể tỷ lệ quả đạt chất lượng nào. Khi đó, nếu số lượng xuất khẩu vượt quá những con số này họ sẽ phát hiện ra, nếu xác định có sự gian dối thì lập tức mã số sẽ bị dừng”, ông Lê Thanh Hòa phân tích và đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp phải làm thật, không được gian lận trong giao thương quốc tế.

Từ những bài học trong xuất khẩu gạo vượt quá năng lực sản xuất của nhà máy đã đăng ký và bị Trung Quốc “tuýt còi”, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khẳng định để phát triển, mở rộng thị trường này trong thời gian tới thì chỉ có thể làm thật, ăn thật: “Đây là điều mà nhà nước không thể làm thay và các doanh nghiệp phải tự ý thức thì mới có thể khẳng định được thương hiệu của mình”.

Chia sẻ về vấn đề không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu về quy định liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay ô nhiễm vi sinh vật, TS Lê Thanh Hòa cho rằng, việc doanh nghiệp để xảy ra hiện tượng này là đang “tự trói chân mình”.

Cụ thể, nếu như trước đây thị trường EU không yêu cầu đánh giá rủi ro với các sản phẩm nông sản Việt Nam để mở cửa thị trường nhưng việc nhiều lần vi phạm quy định an toàn thực phẩm khiến cho khu vực này yêu cầu Cục BVTV phải kiểm tra, cấp mã số cho từng cơ sở thì mới được xuất khẩu.

“Nếu chúng ta làm tốt ngay từ đầu thì không bao giờ họ yêu cầu Cục BVTV phải làm điều đó. Như vậy là các doanh nghiệp đang tự trói chân mình”, ông Hòa nhấn mạnh.

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần ý thức được việc này và có sự thay đổi trong thời gian tới vì hàng hóa rau củ, hoa quả tươi chỉ cần đáp ứng được các quy định của EU về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và ô nhiễm vi sinh vật có nguy cơ lây bệnh thì hoàn toàn có thể nhập khẩu một cách dễ dàng.

Qua đó có thể thấy, nhiều thị trường rất mở, không hề khó khăn đối với nông sản Việt Nam nhưng nếu các doanh nghiệp không làm tốt thì không chỉ tự trói chân mình mà còn đẩy các cơ quan quản lý vào gánh nặng kiểm tra, giám sát, đáp ứng các yêu cầu của phía đối tác.

Bên cạnh đó, việc vi phạm các quy định của nước nhập khẩu không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn tổn hại hình ảnh nông sản, thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Empty

Hiện nay, các hội thảo, khóa tập huấn để phố biến những quy định SPS ngày càng được doanh nghiệp và người nông dân quan tâm. Ảnh: Tùng Đinh.

Cần cải thiện điều gì?

Là người gắn bó với Văn phòng SPS Việt Nam từ những ngày đầu, khi mà chúng ta mới gia nhập WTO, TS Lê Thanh Hòa cho biết, từ đó đến nay, đơn vị đã có rất nhiều hoạt động để phổ biến các thông tin liên quan đến SPS, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Trên thực tế, hoạt động xuất khẩu nông sản đã có nhiều tiến bộ sau khi gia nhập WTO, cụ thể là giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam liên tục tăng trưởng, minh chứng cho việc ngày càng đáp ứng tốt các quy định về SPS của thị trường thế giới.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những cảnh báo liên quan đến việc vi phạm mức dư lượng tối đa hay ô nhiễm vi sinh vật vì trên thực tế, điều kiện sản xuất của chúng ta, nhất là ở những hộ nhỏ lẻ thì việc áp dụng các quy trình thực hành còn đưa được tốt.

Do đó, ông Lê Thanh Hòa cho rằng trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tiếp tục cải thiện tình trạng này. Nhưng cũng phải nhìn nhận khách quan rằng, các cảnh báo mà thị trường nhập khẩu đưa ra đã giảm rất nhiều so với các năm trước, đặc biệt là trong lĩnh vực thủy sản, chỉ còn 10-15% so với trước đây.

“Cụ thể, nếu những năm 2009 - 2010, cảnh báo về sản phẩm thủy sản lên đến 300 - 400 đối với thị trường EU, rồi Nhật Bản nhưng bây giờ chỉ còn khoảng vào chục, đó là một dấu hiệu tích cực”, TS Hòa nói.

Về tổng thể, đại diện Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc tăng cường công tác giám sát, quản lý cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật về SPS thì chúng ta cũng cần tiếp tục cải thiện, nâng cao nhận thức của người dân.

Theo ông Hòa, chỉ khi người dân, những người sản xuất chính có được nhận thức tốt thì mới có phương pháp tốt và đưa ra được những sản phẩm tốt cho nông nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cấp có những chính sách quản lý tốt hơn nữa đối với các vấn đề sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, trong chăn nuôi rồi bảo vệ thực vật.

Không chỉ là quản lý tốt trong nước mà còn phải hài hòa với các tiêu chuẩn của các quốc gia trên thế giới bằng cách dựa vào các tiêu chuẩn, khuyến nghị mà các tổ chức WTO công nhận đã đưa ra.

Ông Lê Thanh Hòa hy vọng, trong thời gian tới, cùng với sự vào cuộc của Bộ NN-PTNT, cùng với các cơ quan quản lý liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng như kiểm dịch động thực vật thì hàng hóa của Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt các quy định của thị trường và trở thành một trong những quốc gia đứng đầu trong khối các nước xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới.

Gấp rút hoàn thiện hồ sơ Lệnh 248, 249 cho thị trường Trung Quốc

Riêng với thị trường Trung Quốc, cụ thể là 2 Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan nước này, TS Lê Thanh Hòa cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam đa số có quy mô nhỏ và vừa, những doanh nghiệp lớn, đủ tầm cỡ, đủ hiểu biết không nhiều.

Do đó, việc phổ biến các quy định liên quan đến 2 lệnh nói trên là rất cần thiết và trong thời gian vừa qua, Văn phòng SPS Việt Nam cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam và nhiều cơ quan quản lý chuyên ngành đã phối hợp tuyên truyền, triển khai đăng ký theo yêu cầu của phía Trung Quốc, đem lại những hiệu quả rất rõ rệt.

“Bây giờ phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cơ bản hoàn tất việc đăng ký”, ông Hòa nói và khẳng định thêm, Văn phòng SPS Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp vẫn đang còn gặp vướng mắc trong vấn đề này.

Bên cạnh đó, nếu gặp các vấn đề liên quan đến các đơn vị chuyên ngành thì văn phòng sẽ phối hợp với Cục BVTV, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) hay Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công thương) để xử lý.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng đang có một yêu cầu rất cấp thiết là các doanh nghiệp không nằm trong danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc theo các thỏa thuận đã ký với cơ quan thẩm quyền của Việt Nam thì phải hoàn thiện hồ sơ trước ngày 30/6/2023.

Do đó, từ nay đến thời hạn trên Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề đăng ký cũng như hướng dẫn cụ thể việc hoàn thiện quy trình xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ.