Tránh cúm gia cầm và bệnh Newcastle tại khu nuôi yến trong 12 tháng

2022-11-23

Phía Trung Quốc nêu những yêu cầu về kiểm tra, kiểm dịch với khu nuôi yến và khuyến cáo Việt Nam lập hệ thống quản lý sức khỏe và phòng chống dịch bệnh chim yến.



Tổ yến được xuất chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 11/2022.

Tổ yến được xuất chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 11/2022.

Ngày 16/11, Bộ NN-PTNT thông qua nội dung Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc. Theo đó, tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kiểm tra, kiểm dịch và điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Làm rõ hơn vấn đề này, Văn phòng SPS Việt Nam cho biết: Ngoài các quy định trong Nghị định thư, tổ yến xuất khẩu phải đáp ứng các quy định trong Luật An toàn thực phẩm, Luật kiểm dịch động vật và thực vật xuất nhập khẩu, Luật Kiểm tra Hàng hóa xuất nhập khẩu, Quy định đặc biệt về tăng cường giám sát và quản lý an toàn sản phẩm, Quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu ở nước ngoài... cùng các quy định hiện hành của Trung Quốc.

Cụ thể, về nhóm sản phẩm được phép xuất khẩu, Trung Quốc chỉ định là yến sào và các sản phẩm được tạo thành từ nước bọt của chim yến hoặc chim cùng loại, đã loại bỏ bụi bẩn và lông chim, phù hợp làm thực phẩm cho người.

Về phía nhà sản xuất, doanh nghiệp, sản phẩm tổ yến phải được đăng ký bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (Cục Thú y) và báo cáo cho phía Trung Quốc.

Doanh nghiệp chế biến sản phẩm phải đăng ký theo Quy định của Trung Quốc về Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm ở nước ngoài nhập khẩu (Lệnh 248). Chỉ những doanh nghiệp đã đăng ký thành công và có năng lực xử lý vệ sinh hiệu quả sản phẩm yến sào mới được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Về yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch với cơ quan quản lý, Trung Quốc nêu ra 5 vấn đề cho Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam cần xác nhận tình hình dịch bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle trên lãnh thổ, đồng thời xác nhận với Trung Quốc rằng: Trong 12 tháng qua, không có trường hợp mắc bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle nào được ghi nhận tại khu vực có chim yến.

Thứ hai, Việt Nam cần thiết lập hệ thống quản lý sức khỏe và phòng chống dịch bệnh chim yến; xây dựng quy trình vận hành kiểm soát sức khỏe thu hoạch và vận chuyển yến sào; xây dựng và thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh động vật hàng năm và các chất độc hại liên quan đến sức khỏe kiểm dịch và an toàn thực phẩm của sản phẩm yến sào xuất khẩu.

Đồng thời, Việt Nam phải lên kế hoạch giám sát dịch bệnh hàng năm, bao gồm kế hoạch giám sát một số bệnh cúm chim yến và bệnh Newcastle.

Nhu cầu về tổ yến của thị trường Trung Quốc rất lớn.

Nhu cầu về tổ yến của thị trường Trung Quốc rất lớn.

Thứ ba, Việt Nam được khuyến cáo thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc yến sào từ lúc bắt đầu nuôi đến khi xuất khẩu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và thu hồi các sản phẩm liên quan trong trường hợp có vấn đề.

Thứ tư, các sản phẩm yến sào xuất khẩu, trừ sản phẩm yến sào ăn liền đã qua chế biến kỹ và đóng hộp, phải tuân theo hệ thống phê duyệt kiểm dịch và không được phép xuất cảnh sang Trung Quốc khi chưa được phê duyệt.

Thứ năm, sản phẩm được sản xuất và chế biến theo hệ thống chất lượng hiệu quả, đã trải qua quá trình xử lý nhiệt và đảm bảo không nhiễm bất kỳ mầm bệnh nào có thể gây hại cho gia cầm hoặc sức khỏe con người. Ngoài ra, sản phẩm cần được xử lý vệ sinh hiệu quả, bao bì bên ngoài và thùng vận chuyển phải được khử trùng.

Về giấy chứng nhận sản phẩm, Trung Quốc yêu cầu mỗi lô sản phẩm phải kèm theo giấy chứng nhận xuất xứ và giấy chứng nhận thú y gốc. Giấy chứng nhận này được viết bằng hai ngôn ngữ là tiếng Trung và tiếng Anh, theo hình thức và nội dung được cả hai bên chấp thuận.

Giấy chứng nhận thú y do Việt Nam cấp phải ghi rõ 4 nội dung. Một là, số đăng ký tổ yến, số đăng ký doanh nghiệp chế biến, nguồn gốc nguyên liệu của sản phẩm. Hai là, các biện pháp phòng ngừa đã được thực hiện để ngăn sản phẩm tiếp xúc với nguồn virus cúm gia cầm. Ba là, sản phẩm tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc cũng như các tiêu chuẩn liên quan. Bốn là, cam kết thích hợp cho con người sử dụng.

Về đóng gói và nhãn sản phẩm, sản phẩm phải được đóng gói bằng vật liệu hoàn toàn mới, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh quốc tế.

Nhãn sản phẩm phải ghi đầy đủ tên, trọng lượng, tên chuồng và số đăng ký, tên công ty chế biến, địa chỉ và số đăng ký, điều kiện bảo quản sản phẩm, ngày sản xuất cùng các thông tin liên quan. Tất cả nội dung này phải được ghi cả ở bao bì bên trong và bên ngoài của sản phẩm, bằng hai ngôn ngữ tiếng Trung và tiếng Anh.

Buổi họp song phương về Lệnh 248, 249 giữa đoàn công tác Việt Nam và phía Trung Quốc, bên lề phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO hồi tháng 6/2022.

Buổi họp song phương về Lệnh 248, 249 giữa đoàn công tác Việt Nam và phía Trung Quốc, bên lề phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO hồi tháng 6/2022.

Phấn khởi khi tổ yến được xuất chính ngạch sang Trung Quốc, TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, nghị định thư mang lại cả cơ hội lẫn thách thức cho ngành hàng yến của nước ta.

Theo ông Nam, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về vệ sinh, an toàn thực phẩm, người sản xuất trong nước bắt buộc phải liên kết để có thể kiểm soát được những quy định về kiểm dịch, quản lý vùng nuôi và cơ sở đóng gói, bảo quản, phân phối.

"Đây là thời cơ để ngành hàng nâng cao giá trị và chuẩn hoá quy trình sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản, đảm bảo phát triển bền vững", ông Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó, nghị định thư về xuất khẩu yến sào còn đảm bảo việc xuất khẩu ổn định, giảm ùn tắc, giảm rủi ro thông qua việc giảm tỷ lệ kiểm tra, kiểm dịch tại cửa khẩu.

Ở chiều ngược lại, ngành hàng yến phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý trong việc giám sát và có kế hoạch phòng, trừ dịch bệnh. Nghị định thư có thời hạn nhất định, buộc các bên liên quan phải tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao hơn nữa chất lượng, uy tín để phát triển bền vững ngành hàng.