Xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản tăng hơn 1 tỷ USD
2022-07-26
Trong 5 tháng đầu năm, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản chạm mốc 9 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường này đều tăng trưởng lạc quan.
Theo đó, trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản đạt hơn 9,3 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn chung, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường này vẫn là các sản phẩm công nghiệp.
Trong đó, hàng dệt may đạt trị giá cao nhất, ở mức 1,34 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 1,31 tỷ USD). Hàng dệt may xuất khẩu sang Nhật Bản tương đối đa dạng như quần áo các loại, sơ mi cao cấp, veston các loại, hàng thể thao, quần áo trẻ em…
Hiện nay, mặt hàng dệt may của Việt Nam phải áp dụng quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt từ các hiệp định song phương và đa phương với Nhật Bản như AJCEP, VJEPA và CPTPP. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may vẫn đang tận dụng rất tốt các ưu đãi từ các hiệp định này.
Nguồn: mekongasean.vn
Các mặt hàng điện tử, máy móc chính khác xuất khẩu sang Nhật Bản cũng đạt kim ngạch cao và tăng trưởng dương, ngoại trừ phương tiện vận tải phụ tùng và giày dép. Cụ thể, xuất khẩu máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 1,1 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021; phương tiện vận tải phụ tùng đạt 1 tỷ USD, giảm 5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 505 triệu USD, tăng 34%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 449 triệu USD, tăng 26%; giày dép đạt 397 triệu USD, giảm 2%...
Đối với các mặt hàng nguyên liệu chính, hóa chất là mặt hàng có mức độ tăng trưởng cao nhất, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 240 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 677 triệu USD, tăng 16%...
Nguồn: mekongasean.vn
Nông thủy sản Việt tại Nhật Bản được ưa chuộng
Đầu tiên, với mặt hàng thủy sản, trong 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đạt mức 638 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 15%. Trong đó, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt gần 300 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt khoảng 260 triệu USD) và chiếm tới 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt.
Theo VASEP, Việt Nam hiện vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm 26% tổng giá trị nhập khẩu tôm của thị trường này. Dù vậy, nhập khẩu tôm của thị trường này vẫn đang phải chịu tác động của các yếu tố như dịch bệnh Covid-19, đồng yên mất giá so với USD, lạm phát tăng cao khiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm. VASEP dự kiến nhu cầu nhập khẩu tôm Việt vào Nhật Bản trong quý III/2022 vẫn ổn định như 2 quý đầu năm và dự kiến nhu cầu nhập khẩu trong quý cuối năm nay sẽ tăng trưởng tích cực hơn so với các quý trước đó.
Đối với các loại thủy sản khác, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng khoảng 6,4%, đạt 14 triệu USD (năm 2021 đạt khoảng 13,1 triệu USD); xuất khẩu cá tra đạt mức 14,6 triệu USD, tăng 64% (năm 2021 đạt khoảng 8,9 triệu USD)…
Hiện Nhật Bản cũng là một trong 4 thị trường nhập khẩu mực của Việt Nam lớn nhất (cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc chiếm tới 70% tổng trị giá xuất khẩu mực của Việt Nam). Với mặt hàng bạch tuộc, Nhật Bản là thị trường thứ 2 nhập khẩu bạch tuộc, chiếm 27% tổng giá trị xuất khẩu bạch tuộc của Việt Nam (sau Hàn Quốc, chiếm 60%).
Đối với các mặt hàng nông sản, hiện đang được ưa chuộng nhiều tại thị trường này. Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, ngành nông nghiệp Nhật Bản chỉ chiếm 1,1% tỷ trọng GDP quốc gia, trong khi đó quy mô dân số lại ở mức 125 triệu người cho nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm của thị trường này rất lớn.
Mặt khác, các mặt hàng nông sản giữa Việt Nam và Nhật Bản lại mang tính bổ trợ cho nhau nên hàng Việt không gặp sự cạnh tranh từ hàng hóa nội địa Nhật. Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản nhập khẩu chính của Nhật Bản đều là hàng hóa thế mạnh của Việt Nam.
Ngoài ra, tại Nhật Bản đang có khoảng 500.000 người Việt sinh sống. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận nhóm người tiêu dùng này để thúc đẩy doanh thu, lượng tiêu thụ khi sản phẩm xuất khẩu chưa có chỗ đứng chắc tại thị trường.
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mang lại nhiều ưu đãi thuế quan cho hàng Việt. Hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ thương mại gắn bó thân thiết cùng với nhiều FTA như CPTPP, RCEP…
Theo đó, các sản phẩm nông sản của Việt Nam sẽ được giảm thuế quan theo lộ trình khi vào thị trường. So với các nước không có FTA cùng Nhật Bản, Việt Nam có ưu thế hơn khi giá hàng hóa được giảm ở mức thấp nhất khi vào đây.
Nguồn: mekongasean.vn
rong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản đạt mức 67,8 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện các doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu nhiều mặt hàng trái cây sang thị trường này như vải, bưởi, thanh long, chuối, xoài, dừa. Trong đó, ngay từ đầu mùa vụ vải năm nay, các doanh nghiệp nhập khẩu của Nhật Bản và các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã làm việc, đưa ra kế hoạch xuất khẩu trái vải vào thị trường này.
Bên cạnh đó, phía Nhật Bản cũng đang đầu tư dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam” với mức kinh phí 3 triệu USD với mục tiêu thông qua dự án có thể thúc đẩy, nâng cao năng lực sản xuất hàng rau quả an toàn của người nông dân Việt Nam. Từ đó, tạo ra chuỗi sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm.
Đối với mặt hàng cà phê, trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang thị trường này 52.574 tấn, đạt 132 triệu USD, tăng 41% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thời gian qua, giá cà phê thế giới và trong nước đều biến động trái chiều do ảnh hưởng bởi nguồn cung từ Việt Nam và Brazil, đồng thời là cuộc xung đột Nga – Ukraine, lạm phát, chi phí vận chuyển… Điều này cũng tác động đến giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào Nhật Bản.
So với các thị trường khác, giá cà phê của Việt Nam vào thị trường này tương đối thấp. Bộ Công thương dẫn thông tin từ phía Nhật Bản, giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam sang thị trường này trong quý I/2022 chỉ đạt 1.991 USD/tấn. Trong khi đó, các thị trường khác nằm trong top 5 thị trường là Brazil, Colombia, Ethiopia, Tanzania lần lượt đạt 3.141 USD, 5.212 USD, 3.790 USD và 4.999 USD.
Dù vậy, theo Bộ Công thương, trong quý I/2022, Việt Nam lại là thị trường cung cấp cà phê lớn nhất cho thị trường Nhật Bản, chiếm 30% thị phần nhập khẩu của quốc gia này. Các loại cà phê xuất khẩu sang Nhật Bản chủ yếu là cà phê Robusta, chiếm 86% tổng lượng xuất khẩu. Cũng trong quý đầu, Việt Nam tăng mạnh tỷ trọng xuất khẩu cà phê chế biến sang Nhật Bản, đạt 16,3 triệu USD, tăng 63,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, theo thông tin từ phía Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản ngày 30/6, gạo Việt Nam ghi dấu ấn mang tính cột mốc thị trường này, khi 100 tấn gạo ST25 của Việt Nam đã chính thức được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng tại Nhật Bản.
Tại thị trường Nhật Bản, gạo Việt Nam chưa có đủ sức cạnh tranh so với gạo của Hoa Kỳ, Thái Lan, Trung Quốc hay Australia. Cho nên trong những năm gần đây gạo Việt Nam vào thị trường Nhật chủ yếu qua đường phi mậu dịch với số lượng không đáng kể và chủ yếu dùng làm nguyên liệu chế biến các thực phẩm khác như bánh, tương miso...
Sự kiện 100 tấn gạo ST25 được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng của Nhật Bản đánh dấu việc gạo Việt Nam sẽ chính thức xuất hiện trên bàn ăn của các gia đình Nhật Bản, mở ra cơ hội xuất khẩu lớn sang thị trường tiềm năng này.
Tuy nhiên, bên cạnh các ưu thế vốn có, nông sản Việt cũng còn gặp nhiều cạnh tranh tại thị trường này như xuất khẩu đạt trị giá chưa cao, các sản phẩm xuất khẩu phần lớn là nguyên liệu thô, chưa có thương hiệu…
Nguồn bài viết: mekongasean.vn