Nông sản rõ lai lịch, HTX dễ tiêu thụ
2022-07-11
Xây dựng vùng trồng và cơ sở đóng gói gắn với cấp mã số giúp sản phẩm của HTX, tổ hợp tác thuận lợi trong tiêu thụ. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang là một bài toán khó cho ngành chức năng lẫn HTX.
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng mạnh. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước có dấu hiệu đi xuống khi đạt gần 1,43 tỷ USD, giảm 16,2% so với 5 tháng đầu năm 2021... Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do chính sách zero Covid-19 của Trung Quốc, ngoài ra là hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu về chứng minh nguồn gốc xuất xứ như mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, mã số nhà máy xử lý...
Khó khăn trong tuân thủ các tiêu chuẩn
Hiểu được những yêu cầu trên nhưng không ít HTX đang gặp khó khăn trong việc bảo đảm các tiêu chí để được cấp mã số vùng trồng. Chẳng hạn như điều kiện để được cấp mã số là vùng trồng đó chỉ trồng duy nhất một loại cây. Ngoài ra, diện tích vùng trồng có thể dao động từ 6-10 ha/mã nhưng không được quá 12 ha/mã để tiện cho việc quản lý.
Ông Trương Quang Hùng, Giám đốc HTX liên kết xanh Ia Chim (Kon Tum) cho biết, HTX có diện tích trồng cây ăn quả khoảng 120 ha nhưng lại chủ yếu trồng xen trong các vườn cà phê nên không bảo đảm được yêu cầu xin cấp mã số.
Còn ông Văn Tấn Phương, Phó giám đốc HTX thanh long Mỹ Tịnh An (Tiền Giang), cho biết quy định “vùng trồng phải được kiểm tra và cấp mã số vùng trồng trước vụ thu hoạch” hay “ trước mỗi vụ thu hoạch, các mã số vùng trồng cần đăng ký lại, trong trường hợp không đăng ký lại thì mã số sẽ bị thu hồi”. Theo ông, điều này rất dồn dập về thời gian và gia tăng áp lực kinh phí cho HTX, nhất là khi nguyên liệu đầu vào tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại như hiện nay.
Ngoài ra, mã số vùng trồng có thể có nhiều hộ đứng tên, tuy nhiên lại yêu cầu những hộ đó phải sản xuất liền canh, cùng địa phương cũng khó cho HTX khi đáp ứng yêu cầu về mở rộng diện tích và kết nạp thêm thành viên. Nhất là khi việc thuê đất, tập trung đất trên cùng một diện tích lớn tại nhiều địa phương hiện nay không hề dễ dàng.
Có thể thấy, việc triển khai mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói với các HTX khá chật vật vì nhiều lý do. Cụ thể là để hoàn thành mở cửa thị trường và cấp mã số cho một vùng trồng nào đó thường kéo dài 3 - 15 năm tùy theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, sản phẩm phải được đóng gói và xử lý chiếu xạ hoặc xử lý hơi nước nóng (tùy theo quy định của từng thị trường)… đang là những khó khăn về nguồn lực, không phải người dân, HTX nào cũng đầu tư và theo được.
Chanh dây là nông sản vừa được Trung Quốc đồng ý xuất khẩu khi bảo đảm được các yêu cầu về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. |
Theo TS Phan Thị Thu Hiền, Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo Vệ thực vật), để được cấp mã cơ sở đóng góp, cơ sở đó phải bảo đảm các yêu cầu rất nghiêm ngặt từ các nước nước nhập khẩu như hồ sơ, cơ sở vật chất khép kín, quy trình đóng gói, quy trình xử lý dịch hại… Thậm chí cơ sở đóng gói trước khi xây dựng cũng cần thông qua nước nhập khẩu để họ góp ý. Bởi nếu không nắm bắt đúng quy trình theo yêu cầu thì các HTX sẽ phải sửa chữa khu vực nhà đóng gói nhiều lần.
Ngoài những khó khăn trên, để được cấp mã vùng trồng, các HTX phải trải qua rất nhiều khâu và liên kết chặt chẽ giữa các nhóm nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu và cơ sở nghiên cứu. Tuy nhiên đến nay, mối liên kết này chỉ được hình thành ở một số HTX. Do vậy, việc mở rộng diện tích vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số hiện nay vẫn còn hạn chế.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện nay có 4.000 mã số vùng trồng (300.000 ha), tại 50/63 tỉnh, thành phố, nhưng chỉ chiếm khoảng 30% diện tích cây ăn quả. Việc cấp mã số vùng trồng cũng mới chỉ tập trung ở một số loại nông sản, chưa đa dạng và chưa nhiều nên chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.
Không chỉ xuất khẩu mới cần mã số
Có thể thấy, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói là tiền đề quan trọng giúp các HTX, tổ hợp tác xuất khẩu chính ngạch nông sản, góp phần rút ngắn các khâu trung gian, đảm bảo đầu ra.
Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói góp phần quảng bá, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị nông sản. Không chỉ vậy, các giải pháp duy trì mã số đang giúp bà con, thành viên thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Ông Văn Tấn Phương, Phó giám đốc HTX thanh long Mỹ Tịnh An (Tiền Giang), cho biết từ khi được cấp mã số vùng trồng gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, thanh long của HTX đã được xuất khẩu vào Mỹ, Úc và mở rộng thị trường xuất khẩu tại nhiều nước ở châu Á và châu Âu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia để được cấp và duy trì được mã số vùng trồng, mã số đóng gói là hàng loạt các yêu cầu cần đáp ứng và giải quyết theo quy trình. Trong khi các thành viên HTX chủ yếu là nông dân, việc nắm bắt quy trình kỹ thuật, các nguyên tắc sản xuất theo yêu cầu của các đối tác nước ngoài không hề đơn giản. Thậm chí ngay cán bộ bảo vệ thực vật ở địa phương vẫn chưa thống nhất quy trình cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nên việc hướng dẫn có thể bị sai lệch, gây khó khăn cho HTX.
Chính vì vậy, để mở rộng thêm các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, các cơ quan chuyên môn cần đặt các quy định vào vị trí người nông dân, thành viên HTX. Làm sao để họ thấy được lợi ích của việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để chủ động thực hiện, áp dụng quy trình. Bởi đây là điều kiện tiên quyết để người dân, HTX được hưởng lợi từ chính mảnh ruộng của mình.
TS Phan Thị Thu Hiền cho biết, các nước đều yêu cầu khắt khe về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng nên nếu không có mã số vùng trồng, không có mã cơ sở đóng gói thì đó dù có là đặc sản, là sản phẩm vượt trội ở Việt Nam thì cũng “quanh quẩn bên lũy tre làng”.
Chẳng hạn như với EU, thị trường này yêu cầu các loại cây gia vị phải trồng trong nhà kính thì mới được cấp mã số. Hay như Hàn Quốc hiện áp tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật có trong nông sản rất thấp (0.01%), tức là gần như bằng 0 nên nếu không thực hiện đúng các yêu cầu chung thì rất khó có thể xuất khẩu được.
Bà Hiền cũng lưu ý, hiện nay ruồi đục quả là vấn đề nan giải trong vấn đề xuất khẩu nông sản. Một container 40fit, nếu các nước kiểm tra có 1 con ruồi đục quả thôi cũng bị hủy toàn bộ. Đó cũng là nguyên nhân mà dù được Mỹ nhập khẩu từ năm 2017 nhưng đến bây giờ quả vú sữa của Việt Nam xuất đi rất ít.
Để giải quyết vấn đề này, ngoài tuân thủ các quy trình sản xuất như bọc quả, các HTX cần nâng cao năng lực nhận biết loại dịch hại này bởi vì các loại sâu hay ruồi thường rất nhỏ. Nhiều người không biết đến loại dịch hại này nên rất dễ bị bỏ qua ngay trong lúc chăm sóc và dẫn đến mất kiểm soát cả lô hàng.
Ngoài ra, khi HTX chủ động áp dụng TCCS 774:2020/BVTV- cấp mã số vùng trồng nếu khó khăn trong xuất khẩu vẫn có thể tạo nền tảng cho tiêu thụ trong nước. Hoặc ngược lại, HTX có thể áp dụng TCCS 774:2020/BVTV để phục vụ tiêu thụ nội địa trước, sau đó làm nền tảng xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Để hạn chế bị tổn hại, các HTX có thể chia vùng được cấp mã số thành những mã nhỏ. Chẳng may một mã bị trả hàng nhưng các mã khác vẫn chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thì vẫn được xuất khẩu. Tuy nhiên, khi chia ra các mã nhỏ, HTX phải mất nhiều thời gian kiểm tra, quản lý hơn.
Nguồn bài viết: vnbusiness.vn