Quy định nhập khẩu hàng hóa của thị trường EU

2021-11-04

Quy định về vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) đối với hàng hóa được nhập khẩu vào thị trường EU



1. Về quy định SPS tại thị trường EU

Theo định nghĩa của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), SPS (Sanitary and Phytosanitary) là những biện pháp được áp dụng để bảo vệ sức khỏe hoặc tính mạng của con người, động vật và thực vật. Đối với thị trường EU, khoảng 98% các biện pháp SPS được hài hòa hóa và quản lý ở cấp Liên minh, số ít các biện pháp được áp dụng ở cấp quốc gia và đối với một số mặt hàng cụ thể. Các quy định của EU tuân theo Hiệp định SPS của WTO và được dựa trên tiêu chuẩn cũng như khuyến nghị quốc tế. Tuy nhiên trên thực tế, theo nhận định chung từ thị trường, EU thường áp dụng những tiêu chuẩn cao hơn so với khuyến nghị và có những quy định an toàn thực phẩm chặt chẽ hơn các nước khác. Thêm vào đó, ngoài các biện pháp SPS do Ủy ban châu Âu ban hành, các nhà xuất khẩu có thể còn phải tuân thủ các quy định, yêu cầu bổ sung của các nhà nhập khẩu hoặc người mua, khiến các biện pháp SPS của EU trở thành một trong những vấn đề được quan tâm nhất từ phía xuất khẩu.

Đối với Việt Nam, trong Hiệp định EVFTA đã có một Chương SPS nhằm mục đích tăng cường việc thực thi hiệu quả các nguyên tắc và nguyên tắc của Hiệp định SPS cũng như các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế do các tổ chức quốc tế có liên quan xây dựng, bằng cách: (i) Tăng cường giao tiếp và hợp tác, và giải quyết các vấn đề SPS ảnh hưởng đến thương mại giữa các Bên và các vấn đề khác đã thỏa thuận cùng quan tâm; và (ii) Thúc đẩy sự minh bạch và hiểu biết hơn trong việc áp dụng các biện pháp SPS của mỗi Bên.

         2. Một số quy định SPS thường gặp

2.1. Quy định về an toàn thực  phẩm

Các yêu cầu về an toàn thực phẩm được quy định trong Quy định số 178/200232 (Luật Thực phẩm chung) và số 852/200433 (Vệ sinh thực phẩm) cùng với một số văn bản dưới luật và văn bản thực thi. Theo các quy định này, các nhà sản xuất thực phẩm phải chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm và tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh cơ bản chung để đảm bảo an toàn thực phẩm xuyên suốt chuỗi sản xuất thức ăn. Mặc dù những quy định này chỉ áp dụng với các nhà sản xuất thực phẩm của EU, các nhà xuất khẩu từ nước thứ ba cũng gián tiếp bị ảnh hưởng vì cần phải tuân thủ các quy định này thì mới có thể xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này.

 

Một trong các quy định ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà xuất khẩu nước ngoài là quy định về các thủ tục quản lý an toàn thực phẩm dựa trên nguyên tắc Phân tích các mối nguy hiểm và điểm kiểm soát quan trọng (the Hazard Analysis and Critical Control Point - HACCP). Các thành viên EU được yêu cầu đảm bảo rằng các doanh nghiệp thực phẩm nước ngoài tuân thủ các nguyên tắc HACCP trong sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang EU. Mặc dù các nhà xuất khẩu nước ngoài không bắt buộc phải cung cấp chứng nhận HACCP tại biên giới nhập khẩu, vẫn cần lưu giữ tất cả các hồ sơ và bằng chứng để chứng minh việc tuân thủ nguyên tắc HACCP.

2.2. Quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất

Đây là quy định thường gặp do việc sản xuất các mặt hàng nông sản liên quan đến nhiều công đoạn như trồng trọt, thu hoạch, bảo quản và chế biến; có thể có những mối nguy hiểm ảnh hưởng đến sự an toàn của sản phẩm và gây rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng. Những mối nguy thường gặp là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại trong quá trình sinh trưởng và tạp chất (các mối nguy hại sinh học, hóa học, vật lý) vô tình xâm nhập trong quá trình chế biến.

EU có quy định về mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép (MRLs) rất khắt khe và rộng. Quy định này nhằm đảm bảo rằng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm không gây hại cho người tiêu dùng. Ngoài ra, EU còn cấm sử dụng các sản phẩm bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất có khả năng gây hại cho sức khỏe con người và động vật hoặc gây hại cho môi trường.

2.3. Quy định về kiểm dịch

a) Quy định kiểm dịch thực vật

Các biện pháp kiểm dịch thực vật nhằm mục đích ngăn chặn sự xâm nhập hoặc lây lan của dịch bệnh và sinh vật gây hại cho cây trồng hoặc các sản phẩm thực vật trên phạm vi toàn EU. Cơ sở pháp lý mới nhất trong lĩnh vực này được nêu tại Quy định (EU) số

2016/203134 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu ngày 26 tháng 10 năm 2016 được áp dụng từ 14 tháng 9 năm 2019.

Các quy định kiểm dịch thực vật dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Công ước Bảo vệ thực vật quốc tế (IPPC) và Hiệp định về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật (Hiệp định SPS) của WTO. Các yêu cầu đối với nhập khẩu thực vật và sản phẩm thực vật phải tuân thủ các biện pháp kiểm dịch thực vật và các biện pháp có thể cập nhật hoặc sửa đổi bổ sung sau này:

•   Hàng hóa có nguồn gốc thực vật phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp;

•   Hàng hóa có nguồn gốc thực vật phải được kiểm tra hải quan tại Cơ quan Kiểm tra Biên giới tại cảng/đầu mối nhập cảnh vào EU;

•   Hàng hóa có nguồn gốc thực vật phải được thông báo cho cơ quan hải quan trước khi đến điểm nhập cảnh;

•   Các quốc gia thành viên hoặc chính EU có thể thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu các loại cây trồng hoặc sản phẩm thực vật từ các nước thứ ba gây rủi ro cho lãnh thổ EU.

Bên cạnh các quy định chung, EU liên tục rà soát và đưa ra các quyết định bổ sung áp dụng đối với các sản phẩm nguồn gốc thực vật có mối nguy cao và sự lây lan dịch bệnh trên cây trồng, trên cơ sở báo cáo rà soát đánh giá của nhóm đặc trách do Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm của Ủy ban châu Âu (DG-SANTE) cử ra để đánh giá mức độ nguy hại của loại sâu bệnh hại đó.

EU cũng đưa ra hệ thống cảnh báo nhanh đối với thực phẩm và thức ăn gia súc - RASFF (Rapid Alert System for Food and Feed): Hệ thống này giúp các nước EU trao đổi thông tin về các mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với sức khỏe người tiêu dùng và thực hiện các biện pháp cần thiết tiếp theo.

Hệ thống này có một cơ sở dữ liệu giúp các nước thành viên EU có thể sử dụng để ngay lập tức thông báo cho các nước thành viên khác, nếu có mặt hàng thực phẩm không an toàn được phát hiện, nhằm ngăn chặn mặt hàng đó thâm nhập thị trường EU, cũng như thực hiện các biện pháp nào để bảo vệ người tiêu dùng (loại bỏ sản phẩm, thu hồi sản phẩm hoặc hủy sản phẩm). Những sản phẩm không an toàn được thông báo trên RASFF bao gồm: các mặt hàng thực phẩm không an toàn, các mặt hàng thức ăn gia súc không an toàn, các nguyên liệu thực phẩm không an toàn.

b) Các quy định về kiểm dịch động vật

EU ban hành hệ thống luật pháp, áp dụng các biện pháp về thú y, kiểm dịch động vật và các sản phẩm có nguồn gốc động vật rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. Nhập khẩu động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật phải phù hợp với các tiêu chuẩn sức khỏe thích hợp và các nghĩa vụ quốc tế.

 

Từ năm 2017, EU ban hành Quy định mới (EU) 2017/62535ngày 15/03/2017 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu có hiệu lực từ ngày 14 tháng 12 năm 2019 về các biện pháp kiểm soát chính thức và các hoạt động chính thức khác được thực hiện để đảm bảo áp dụng luật thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, các quy tắc về an toàn thực phẩm và phúc lợi động vật và sản phẩm bảo vệ thực vật. Theo quy định của EU, động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật phải tuân thủ một số quy tắc chung bao gồm:

•   Nước thứ ba xuất khẩu phải nằm trong danh sách các nước đủ điều kiện và được phép xuất khẩu loại sản phẩm hoặc động vật có liên quan sang EU;

•     Sản phẩm có nguồn gốc động vật chỉ được nhập khẩu vào EU nếu chúng đến từ các cơ sở chế biến được chấp thuận của nước xuất khẩu thứ ba;

•   Giấy chứng nhận sức khỏe được ký chính thức bởi bác sĩ thú y của cơ quan có thẩm quyền của nước thứ ba xuất khẩu sẽ đi kèm với lô hàng nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật;

•   Mỗi lô hàng phải được kiểm soát sức khỏe tại Trạm Kiểm tra biên giới quốc gia thành viên (BIP) được chỉ định.

Tuy nhiên, các nhà chức trách châu Âu có thể áp dụng ngay lập tức các biện pháp bảo vệ tạm thời trong trường hợp dịch bệnh bùng phát ở nước thứ ba gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với động vật hoặc sức khỏe cộng đồng. Các biện pháp này có thể bao gồm việc đình chỉ nhập khẩu từ toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ liên quan hoặc áp dụng các điều kiện đặc biệt đối với các sản phẩm từ lãnh thổ đó.

Để được vào danh sách các nước được phép xuất khẩu vào EU, nước xuất khẩu phải đáp ứng các điều kiện cụ thể như: tình hình sức khỏe động vật, quốc gia đó là thành viên của Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới (OIE); có hệ thống thú y đảm bảo phù hợp với các yêu cầu tương đương, bao gồm cả hệ thống pháp lý, cơ quan thẩm quyền quản lý về thú y, hệ thống phòng thí nghiệm, đội ngũ cán bộ thú y, năng lực kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm soát xuất nhập khẩu, các quy định về sản xuất, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vận chuyển, hệ thống các cơ sở/nhà máy, xử lý giết mổ chế biến, vệ sinh thú y, các chương trình kiểm soát thuốc thú y. Các yêu cầu chi tiết được nêu tại Quy định (EU) 2021/40536 ngày 24/03/2021.

2.4 Cập nhật các thông báo về SPS

Tại Việt Nam, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam) đã được chính thức thành lập theo Quyết định 99/2005/QĐ-TTg ngày 09/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng SPS Việt Nam là đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hóa theo yêu cầu của Hiệp định SPS của WTO, thực hiện chức năng là kênh thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên WTO về các vấn đề SPS. Văn phòng này có nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp các nội dung và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; yêu cầu các nước thành viên của WTO cung cấp thông tin về các biện pháp, thủ tục đánh giá rủi ro, về thanh tra, kiểm tra và các vấn đề liên quan khác về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Văn phòng SPS Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đặt trụ sở tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các thông báo về SPS có thể được cập nhật hàng ngày tại các địa chỉ sau:

i)   Trang tra cứu thông báo và dự thảo quy định SPS của các nước thành viên WTO của Văn phòng SPS Việt Nam: http://www.spsvietnam.gov.vn/thong-bao-cac-nuoc-thanh-vien 

ii)  Trang tra cứu các biện pháp SPS của WTO, cung cấp nhiều thông tin về Hiệp định và hoạt động liên quan đến SPS trên toàn thế giới: http://www.wto.org/english/tratop_e/sps_e/sps_e.htm

iii) Cổng thông tin điện tử của diễn đàn thông báo và trao đổi thông tin Vệ sinh Thực vật Quốc tế (IPP): http://www.ippc.int

iv) Thông tin về các hoạt động của Tổ chức Thú y thế giới (OIE): http://www.oie.int

v)  Địa chỉ trang web của các Ủy ban Dinh dưỡng Codex: http://www.codexalimentarius.net

Xem thêm tài liệu tại đây

47