Triển vọng phát triển xuất khẩu vào thị trường các nước tham gia RCEP

2024-08-27

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2022, RCEP đã mở ra nhiều cơ hội  cho Việt Nam trong đẩy mạnh xuất khẩu các loại trái cây cùng nhiều loại nông sản, hàng hóa sang nhiều thị trường tiêu thụ lớn tại châu Á.



Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2022, RCEP đã mở ra nhiều cơ hội  cho Việt Nam trong đẩy mạnh xuất khẩu các loại trái cây cùng nhiều loại nông sản, hàng hóa sang nhiều thị trường tiêu thụ lớn tại châu Á.

Thị trường tiêu thụ lớn

Với tổng dân số của các nước tham gia RCEP chiếm gần 1/3 dân số toàn cầu, RCEP đang tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. RCEP hướng tới việc xóa bỏ tới 90% thuế quan trong vòng 20 năm giữa các thành viên. Hiện có 6 nước tham gia RCEP là những nước thuộc Top 10 nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, cụ thể như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan. Bên cạnh đó, nhiều nước thuộc khối RCEP cũng là nơi cung cấp cho nước ta nhiều loại nguyên phụ liệu và thiết bị phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

 

Thu mua sầu riêng phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tại một vựa trái cây ở Phong Điền, TP Cần Thơ.

 

 

Theo Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, RCEP có thị trường 2,2 tỉ dân, GDP trên 26.000 tỉ USD, tương đương 30% dân số và GDP toàn thế giới, chiếm khoảng 29% thương mại hàng hóa và 32,5% đầu tư toàn cầu. Năm 2022 (năm đầu tiên thực thi RCEP), xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang nhiều quốc gia thuộc khối RCEP đều có tăng trưởng tốt hơn so với năm 2021. Cụ thể như, thị trường Australia tăng 49,2%, Nhật Bản tăng 27,5%, còn nhiều nước ASEAN đạt mức tăng 20%... Đến năm 2023 và trong những tháng đầu năm nay, xuất khẩu nhiều loại nông sản sang nhiều nước ASEAN và các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... tiếp tục đạt những kết quả tích cực.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc và các nước thuộc khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc... hiện chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Đông Bắc Á là thị trường còn rất nhiều tiềm năng cho xuất khẩu rau quả của nước ta. Cùng với thị trường Trung Quốc, những năm gần đây xuất khẩu rau quả của nước ta sang các nước Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã tăng mạnh. Tới đây, nước ta cần đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước thuộc khối RCEP, nhất là các nước ở Đông Bắc Á. Chú trọng đa dạng mặt hàng xuất khẩu, phát triển xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng mới. 

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu các loại nông sản, hàng hóa của nước ta sang các nước trong khối RCEP đạt khoảng 146,5 tỉ USD, chiếm 41,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Còn qua 6 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang các nước RCEP đạt 72,9 tỉ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước,  chiếm 39,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Theo ông Lương Ngọc Quang, công tác tại Phòng Hợp tác Quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong số các thị trường RCEP, Trung Quốc đang là thị trường có số lượng sản phẩm trái cây và rau quả tươi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào nhiều nhất, với các sản phẩm gồm: thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu, mít, chuối, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, khoai lang và dưa. Thêm vào đó là chanh leo và ớt  cũng đang  được Trung Quốc cho nhập khẩu tạm thời, trong thời gian chờ ký nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch.

Xếp kế tiếp là New Zealand có 5 sản phẩm gồm xoài, thanh long, chôm chôm, chanh và bưởi. Sau thanh long và xoài, vừa qua bưởi cũng đã trở thành mặt hàng trái cây tươi thứ 3 được xuất khẩu chính ngạch sang Hàn Quốc. Còn thị trường Nhật Bản và Úc có thanh long, xoài, vải và nhãn. Hiện Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp các cơ quan có liên quan để đàm phán, mở cửa thị trường cho nhiều loại rau quả của nước ta được xuất khẩu sang các nước.

Tạo thuận lợi cho xuất khẩu

Nhằm phổ biến các quy định của thị trường và kịp thời nắm bắt, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Văn Phòng SPS Việt Nam (Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật) vừa phối hợp Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị tăng cường thực thi các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong hiệp định EVFTA và RCEP.

Tại hội nghị này, nhiều đại biểu cho rằng, các loại trái cây và nông sản của nước ta còn nhiều tiềm năng và cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước và các đối tác tham gia 2 hiệp định trên, đặc biệt là các nước ở châu Á tham gia RCEP. Nguyên nhân do nhiều nước tham gia RCEP có vị trí địa lý gần ở nước ta, thuận lợi về các điều kiện giao thông và giúp tạo điều kiện để nước ta đưa nhiều loại nông sản đi xuất khẩu một cách nhanh chóng và giảm được nhiều chi phí  vận chuyển và logistics.

Tuy nhiên, nhiều nước tham gia RCEP  (như: Hàn Quốc, Nhật Bản...) vốn là các thị trường khó tính, trong khi đó Trung Quốc hiện không còn là thị trường "dễ tính" nữa. Do vậy, ngành chức năng nước ta cần cập nhật kịp thời và thường xuyên các thông tin, quy định và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các thị trường. Tiếp tục tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong liên kết sản xuất và phát triển các vùng nguyên liệu và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và chế biến đảm bảo các tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu thị trường.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta trong năm qua đã đạt 5,6 tỉ USD và năm 2024 có thể đạt 7 tỉ USD, trong khi vào những năm trước thời điểm năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả hằng năm chỉ chừng 3,5 tỉ USD trở lại. Kết quả thành công trên đã nói lên việc chất lượng rau quả Việt Nam ngày càng tốt hơn và  đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Đồng thời, Văn phòng SPS Việt Nam cùng các ngành chức năng cũng quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội và vượt qua được các "rào cản" kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu. Mong rằng, tới đây Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục tăng cường các hoạt động cập nhật thông tin, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp nước ta nắm bắt kịp thời các quy định và nhu cầu từ các nước để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả. Khi các nước và các đối tác ký các FTA với nước ta, họ giảm thuế nhập khẩu là điều kiện thuận lợi cho ta xuất khẩu, nhưng ngược lại họ cũng tăng cường các hàng rào kỹ thuật, doanh nghiệp nước ta muốn vượt qua các rào cản này thì rất cần sự chỉ dẫn và hỗ trợ từ ngành chức năng.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, tới đây tiếp tục tăng cường hỗ trợ các vấn đề SPS, giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt nhất các quy định trong các FTA thế hệ mới, trong đó có RCEP. Để phát triển xuất khẩu và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải quan tâm tìm hiểu, nắm bắt thông tin liên quan đến các vấn đề SPS, đồng thời kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn tới cơ quan quản lý.