Chuyên gia nói gì về xuất khẩu nông sản Việt Nam đối mặt gia tăng cảnh báo từ EU?
2024-08-05
Nếu không có biện pháp tăng cường quản lý chất lượng, có thể sắp tới EU sẽ tăng cường kiểm soát và áp dụng các quy định cấm nhập khẩu một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Nếu không có biện pháp tăng cường quản lý chất lượng, có thể sắp tới EU sẽ tăng cường kiểm soát và áp dụng các quy định cấm nhập khẩu một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm, EU đưa ra 2.078 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm, thủy sản xuất khẩu của tất cả các quốc gia xuất khẩu vào thị trường này; trong đó, Việt Nam nhận được 57 cảnh báo. Tuy chỉ chiếm một tỷ lệ trung bình 2,1%, nhưng con số này đã đặt ra vấn đề đáng suy ngẫm.
Nguy cơ EU cấm nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam
Đề cập đến vấn đề này tại Hội nghị Tăng cường thực thi các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong hiệp định EVFTA, RCEP và giải pháp thực hiện sáng 2/8, Ths.Lương Ngọc Quang, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc các quốc gia xuất khẩu sang EU nhận được các cảnh báo là rất bình thường.
Không riêng Việt Nam mà những đất nước có nền nông nghiệp phát triển, công nghệ cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Hàn Quốc, New Zealand cũng thường xuyên nhận được các cảnh báo này. Dù vậy, số lượng cảnh báo mà Việt Nam nhận được trong 6 tháng đầu năm vừa qua là vấn đề đáng bàn.
Thanh long là một trong những mặt hàng bị cảnh báo. |
Phân tích sâu hơn về vấn đề này tại hội nghị, TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, có sự gia tăng đáng kể về số lượng cảnh báo 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2023, nông sản, thực phẩm, thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu sang EU chỉ nhận 67 cảnh báo, trong khi 6 tháng đầu năm 2024 đã có 57 cảnh báo.
Theo thống kê, một số mặt hàng bị cảnh báo gồm rau, quả, gia vị và sản phẩm có nguồn gốc thực vật như thanh long, ớt, quế, đậu bắp, chôm chôm,...; sản phẩm thủy sản gồm cá, mực, tôm, ếch, ngao…; sản phẩm chế biến khác gồm tinh dầu húng quế, mứt dừa, bánh phở...
Ngoài các nguyên nhân về vi sinh vật và mức MRL, ông Nam nhấn mạnh việc trọng lượng sản phẩm bị cảnh báo cũng là một vấn đề rất đáng tiếc: “Trong bức tranh với số lượng xuất khẩu rất lớn, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nhưng chúng ta cũng không thể bỏ qua các lô hàng trọng lượng ít nhưng lại bị vi phạm, làm ảnh hưởng đến toàn bộ ngành nông sản”.
Ngày 1/6/2024, EU đã có biện pháp tăng cường kiểm tra chính thức đối với một số hàng hoá nhất định. Theo đó, Việt Nam chỉ còn 4 sản phẩm phải chịu tần suất kiểm tra biên giới bao gồm: thanh long (tần suất kiểm tra 30%), ớt (50%), đậu bắp (50%), sầu riêng (10%). Trong đó, thanh long kỳ trước chỉ bị kiểm tra với tần suất 20% nhưng từ số liệu cảnh báo 6 tháng vừa qua, EU đã tăng lên mức 30%.
“Phía EU cũng cảnh báo nếu như chúng ta không có biện pháp về quản lý chất lượng thì có thể sắp tới EU sẽ tăng cường kiểm soát và áp dụng các quy định cấm nhập khẩu một số mặt hàng. Đây là một vấn đề rất mong các doanh nghiệp, địa phương phải lưu ý”, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chỉ ra.
Cần giải pháp tổng thể
Phân tích nguyên nhân về sự gia tăng số lượng cảnh báo từ EU, ông Ngô Xuân Nam cho rằng, có cả lý do khách quan từ bối cảnh thế giới đến lý do chủ quan về trong nước từ vùng trồng, vùng nuôi thuỷ sản, từ cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến và công tác quản lý. Theo đó, đã đưa ra các giải pháp trước mắt để sản phẩm Việt Nam kịp thời đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, các vùng trồng, vùng nuôi không còn con đường nào khác ngoài tuân thủ các quy định của thị trường Việt Nam và thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết các vùng nguyên liệu với cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; có cơ chế cùng kiểm soát, quản lý chất lượng.
Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cũng đề cập đến vai trò của các hiệp hội, ngành hàng trong việc tích cực phổ biến các quy định, liên kết hội viên, đặc biệt là tăng cường đóng góp ý kiến vì kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy các hiệp hội đóng vai trò rất quan trọng.
Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm chính trong tăng cường đàm phán tháo gỡ khó khăn với các nước nhập khẩu về các biện pháp SPS, xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật thường xuyên về các biện pháp ATTP tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, cập nhật các quy định để phổ biến kịp thời cho các cơ quan, đơn vị để có điều chỉnh phù hợp…
TS Ngô Xuân Nam cho biết, sau khi nhận được báo cáo tổng hợp từ Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu tăng cường cập nhật các thông tin, quy định cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, đảm bảo các lô hàng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm khi xuất hàng sang EU. Sắp tới Văn phòng SPS Việt Nam sẽ có báo cáo gửi Bộ trưởng về các giải pháp tổng thể để nông sản Việt Nam có thể đáp ứng ngay, thích ứng các quy định của thị trường.
Trước đó, ngày 19/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 534/QĐ-TTG phê duyệt đề án: “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do”.
Theo đó, định hướng mục tiêu đến năm 2030: Tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tương đương quy chuẩn quốc tế đạt 100%; Đẩy mạnh cơ sở dữ liệu kết nối thông tin tương tác giữa hợp tác xã, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan quản lý ở địa phương và hệ thống SPS của Việt Nam; 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Để thực hiện mục tiêu, đề án đã xây dựng 8 nhóm nhiệm vụ, 9 giải pháp và 10 hoạt động ưu tiên.