Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam: Tuân thủ đúng quy định của thị trường nhập khẩu, nắm chắc phần thắng
2023-11-27
Khi Trung Quốc đưa con tôm hùm bông vào danh sách loài động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ và yêu cầu các doanh nghiệp phải chứng minh được phương thức sản xuất, địa chỉ vùng nuôi, nhiều vùng nuôi tôm hùm ở Việt Nam đã rơi vào khó khăn.
Khi Trung Quốc đưa con tôm hùm bông vào danh sách loài động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ và yêu cầu các doanh nghiệp phải chứng minh được phương thức sản xuất, địa chỉ vùng nuôi, nhiều vùng nuôi tôm hùm ở Việt Nam đã rơi vào khó khăn.
Trao đổi với Dân Việt, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT), đã đến lúc phải xóa bỏ tư tưởng chấp nhận rủi ro khi xuất khẩu nông sản.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, phải xóa bỏ tư tưởng chấp nhận rủi ro khi xuất khẩu nông sản. Ảnh: P.V
Những yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc đối với tôm hùm bông đã ngay lập tức có những tác động đến việc xuất khẩu loài thủy sản này. Như vậy, việc các thị trường nhập khẩu luôn có những thay đổi mới là điều các doanh nghiệp, người dân hoàn toàn phải dự tính, từ đó có những điều chiều chỉnh để đáp ứng được yêu cầu. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
-Đúng là như vậy, các thị trường nhập khẩu luôn luôn có những yêu cầu mới đối với hàng hóa nông sản thực phẩm nhập khẩu, và chúng ta không còn cách nào khác phải đáp ứng các yêu cầu với tâm thế chủ động.
Đơn cử như trong 10 tháng năm 2023, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được tới 1.000 thông báo về thay đổi các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) của các Thành viên WTO, trong đó có các thị trường lớn như Nhật Bản (120), Canada (111), EU (103), Hoa Kỳ (80)..., mỗi thị trường chiếm khoảng 10% lượng thông báo của WTO.
Riêng đối với con tôm hùm bông, những yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc gồm: Từ ngày 1/2/2021, Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm 2. Tháng 5/2023, Trung Quốc sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật trong danh sách nguy cấp đã ban hành 2021. Đối với tôm hùm bông tự nhiên, cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán.
Với thị trường Trung Quốc, chúng ta cần lưu ý phải đáp ứng được Quy định 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về đăng ký doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu nông sản thực phẩm vào Trung Quốc, Quy định 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về Quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu. Hai quy định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Đây là hai quy định được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm xuất nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc và đăng ký doanh nghiệp sản xuất nông sản thực phẩm nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Đối với Quy định 248 đã xác định ở khoản 3, Điều 5, các doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc phải thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sản phẩm xuất khẩu đáp ứng các điều kiện của Trung Quốc. Ở khoản 4, Điều 5 quy định doanh nghiệp phải tuân thủ các thỏa thuận của Tổng cục Hải quan Trung Quốc với cơ quan thẩm quyền quốc gia xuất khẩu, cụ thể là Bộ NNPTNT.
Người nuôi tôm hùm gặp nhiều khó khăn do những thay đổi chính sách nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Ảnh: Kim Sơ.
Đối với Quy định 249, tại điều 30 đã xác định rất rõ đối với thủy sản nhập khẩu, ngoài những quy định về nhãn mác, tên hàng hóa, tên khoa học phải cung cấp thêm thông tin về phương thức sản xuất (đánh bắt hoặc nuôi); khu vực sản xuất, địa chỉ cụ thể vùng nuôi.
Như vậy, đối với vấn đề xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc, vấn đề chúng ta cần làm là phải xác định rõ vùng nuôi, có địa chỉ cụ thể để phục vụ truy xuất nguồn gốc – đáp ứng Điều 30, Quy định 249.
Vừa qua, Văn phòng SPS Việt Nam đã trao đổi với đầu mối hướng dẫn đáp ứng Quy định 248, 249 của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, bạn cũng khuyến cáo Việt Nam lập danh sách vùng nuôi tôm hùm bông theo biểu mẫu bạn đã gửi để phía bạn xem xét.
Đối với việc xác định giống F2 của loài này, Văn phòng SPS Việt Nam kiến nghị Bộ NNPTNT Việt Nam làm việc với Bộ Nông nghiệp Trung Quốc để tháo gỡ.
Hay như thị trường Trung Đông, Châu Phi, đây là hai thị trường có nhu cầu lớn đối với thủy sản, nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang các thị trường này không dễ. Mặc dù các quy định SPS của các thị trường tại hai khu vực này đều ổn định, ít có sự thay đổi song không phải dễ đáp ứng vì sản phẩm nông sản thực phẩm xuất khẩu vào thị trường này phải có chứng chỉ Halal. Đây là đặc điểm cần lưu ý.
Nông lâm thủy sản Việt Nam vào hai thị trường này cũng cần đáp ứng một số yêu cầu về chuẩn hóa sản phẩm, quy trình sản xuất trong xuất khẩu nông sản để tăng tính cạnh tranh so với một số nước lân cận, với những sản phẩm tương tự.
Doanh nghiệp, người dân cần nắm rõ thông tin, yêu cầu của thị trường nhập khẩu để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. Ảnh: T.L
Theo ông, trước những yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp, người dân cần chuẩn bị tâm thế như thế nào?
- Chúng ta cần xóa bỏ tư tưởng chấp nhận rủi ro khi xuất khẩu nông sản. Vì khi hàng hóa của một doanh nghiệp vi phạm quy định của nước nhập khẩu thì không chỉ doanh nghiệp đó bị thiệt hại mà các doanh nghiệp cùng ngành hàng cũng bị ảnh hưởng. Khi đó, nước nhập khẩu sẽ tăng tần suất kiểm tra biên giới đối với chất lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đến thời gian, uy tín của nông sản Việt Nam.
Văn phòng SPS Việt Nam được thành lập từ năm 2005 để thực thi nghĩa vụ minh bạch hóa liên quan đến việc thông báo dự thảo các biện pháp SPS, nhằm giảm thiểu những vướng mắc trong thương mại nông sản thực phẩm quốc tế khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO. Do đó, SPS Việt Nam được xem là chìa khóa, là cửa ngõ giúp doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vào một thị trường nào đó mà doanh nghiệp muốn hướng tới.
Khi đã tham gia sân chơi WTO thì cần phải biết và tuân thủ các quy định của các nước thành viên, để không bị vi phạm. Mỗi nước đều có những quy định khác nhau, không nước nào giống nước nào. Khi muốn xuất khẩu vào thị trường nào thì phải tuân thủ các quy định của thị trường đó.
Theo đó, thành viên WTO có quyền sử dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật ở mức cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người, động vật và thực vật. Nhưng phải tuân thủ nguyên tắc là các biện pháp về SPS nào cũng chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người, động vật và thực vật và dựa trên các nguyên tắc khoa học và không được duy trì thiếu căn cứ khoa học xác đáng.
Các thành viên phải có nghĩa vụ thông báo những thay đổi trong các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật và cung cấp thông tin về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của mình. Thành viên WTO không được sử dụng biện pháp SPS để gây cản trở thương mại nông sản.
Trong thời gian tới, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ ưu tiên những giải pháp gì để doanh nghiệp, người dân hiểu và đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, từ đó thúc đẩy xuất khẩu, thưa ông?
Trong một hội nghị phổ biến cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước thành viên trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do chúng tôi tổ chức mới đây, sau khi nghe các ý kiến, một bác nông dân đã nói với chúng tôi rằng: "Giờ thì tôi đã hiểu cách dùng các loại thuốc cho đúng, đáp ứng các yêu cầu của từng thị trường, thay vì đại lý đưa gì dùng nấy như trước đây".
Do vậy, tôi cho rằng công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ những quy định của thị trường xuất khẩu để từ đó có định hướng sản xuất phù hợp là rất cần thiết. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động phổ biến dưới nhiều hình thức để doanh nghiệp, người dân chủ động triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.