Các rào cản phi thuế quan và biện pháp khắc phục khi xuất khẩu rau quả Việt Nam vào EU
2023-11-15
Theo Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI (2019), EU đang áp dụng 26 biện pháp SPS (những biện pháp được áp dụng bảo vệ sức khỏe và tính mạng con người, động vật và thực vật) và 8 biện pháp TBT (Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại) đối với rau quả nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI (2019), EU đang áp dụng 26 biện pháp SPS (những biện pháp được áp dụng bảo vệ sức khỏe và tính mạng con người, động vật và thực vật) và 8 biện pháp TBT (Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại) đối với rau quả nhập khẩu từ Việt Nam.
Dưới đây là một số rào cản chính mà nông dân, doanh nghiệp cần vượt qua nếu muốn xuất khẩu rau quả vào EU. Bài viết sẽ cung cấp các thông tin liên quan các NTB (những biện pháp phi thuế quan do chính phủ một số quốc gia đặt ra để bảo vệ hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu không vượt quá số lượng đã ấn định, giới hạn hàng hóa nhập khẩu) và các biện pháp khắc phục để phát huy các ưu thế của EVFTA trong việc xuất khẩu rau quả vào thị trường EU.
1. Các rào cản phi thuế quan khi xuất khẩu rau quả vào EU
Theo Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển - UNCTAD (2012), các biện pháp phi thuế quan (non-tariff measures-NTMs) là các biện pháp không phải thuế quan, nhưng “có thể có tác động kinh tế lên việc trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia”, trong đó đa số biện pháp có tác động tiêu cực lên thương mại, nên được gọi là các rào cản phi thuế quan (non-tariff barriers-NTBs). Đối với xuất khẩu nông sản, nhất là rau quả vào EU, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS - sanitary and phytosanitary measures) và các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT - technical barriers to trade) là các rào cản phi thuế quan lớn nhất với các nông sản của các nước có nền nông nghiệp đang phát triển như Việt Nam. Theo Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI (2019), EU đang áp dụng 26 biện pháp SPS và 8 biện pháp TBT đối với rau quả nhập khẩu từ Việt Nam. Dưới đây là một số rào cản chính mà nông dân, doanh nghiệp cần vượt qua nếu muốn xuất khẩu rau quả vào EU. Bải viết sau đây sẽ cung cấp các thông tin liên quan các NTB và các biện pháp khắc phục để phát huy các ưu thế của EVFTA trong việc xuất khẩu rau quả vào thị trường EU.
Chế biến dứa tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (TP.Tam Điệp - Ninh Bình). Ảnh: Thùy Dung.
1.2. Các biện pháp SPS chính đối với rau quả nhập khẩu vào EU
a) Các biện pháp về an toàn thực phẩm của EU
Quy định (EU)178/2002 (Luật thực phẩm chung) và Quy định (EU) số 852/2004 (về vệ sinh thực phẩm) đã đưa ra các nguyên tắc và quy tắc chung về an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó xác định rõ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm đối với ATTP trong tất cả các công đoạn sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm (từ trang trại đến bàn ăn). Dưới đây là tóm tắt một số quy định cụ thể tại các văn bản thực thi dưới luật:
(i) Thuốc bảo vệ thực vật
- Theo Quy định (EC) số 1107/2009, cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ được phép sử dụng những hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được EU phê duyệt. Trên website Cơ sở dữ liệu thuốc bảo vệ thực vật của EU hiện có tổng số 1.461 hoạt chất, gồm 454 hoạt chất đã được phê duyệt, 927 hoạt chất không được phê duyệt (không được dùng), 63 hoạt chất đang chờ phê duyệt và 17 hoạt chất khác (chưa được đánh giá ở cấp EU). Những tên thuốc không có trong danh mục là thuốc BVTV chưa được đăng ký hoặc đã bị đưa ra khỏi danh mục.
- Quy định (EC) 396/2005 xác định mức dư lượng tối đa (MRL- maximum residue level) đối với từng hoạt chất thuốc BVTV được phép sử dụng và từng loại thực phẩm cụ thể. Khi vào trang web: http://ec.europa.eu/food/plant/pesticides/eu-pesticides-database/public/?event=homepage&language=EN, chọn sản phẩm rau quả và hoạt chất BVTV cần quan tâm, cơ sở dữ liệu sẽ hiển thị các thông tin về MRLs liên quan đến sản phẩm và hoạt chất thuốc BVTV đó. Trường hợp cơ sở dự liệu chưa có mức MRL cụ thể thì hoạt chất đó phải áp dụng MRL mặc định, thường là 0,01 mg/kg ( 0,01ppm), trừ trường hợp được miễn yêu cầu về MRL (ví dụ, thuốc BVTV vi sinh đã được phê duyệt).
(ii) Chất gây ô nhiễm thực phẩm không phải thuốc BVTV
Quy định (EC)1881/2006 và Quy định (EC) 2021/1317 đưa ra mức tối đa đối với một số chất gây ô nhiễm trên thực phẩm không phải là thuốc BVTV. Đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật các chất gây ô nhiễm cần được kiểm soát chặt chẽ gồm: độc tố nấm mốc (aflatoxin, ochratoxin A, độc tố fusarium, patulin, citrinin), kim loại nặng (cadmium, chì, thủy ngân, thiếc vô cơ, asen), dioxin, polychlorinated biphenyls (PCB), hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs) và nitrate. Tuy nhiên, mỗi loại thực phẩm có quy định cụ thể khác nhau. Ví dụ, kim loại nặng trên rau quả EU chỉ quy định mức tối đa (mg/kg khối lượng tịnh) đối với chì giao động từ 0,05-0,8 và đối với cadmium giao động từ 0,05-0,2 theo từng nhóm rau quả.
(iii) Vi sinh vật gây hại
Theo Quy định EC/2073/2005, chỉ tiêu Salmonella liên quan đến ATTP, vì đây là vi khuẩn gây bệnh nghiêm trọng cho người nên không mẫu thực phẩm nào được phép có Salmonella, trong khi đó vi khuẩn E.coli là chỉ tiêu liên quan đến vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, mẫu chỉ được phép nhiễm ở mức thấp hơn mức tối đa quy định tại Quy định 2073/2005
(iv) Yêu cầu về vệ sinh chung
Quy định (EU) số 852/2004 (Vệ sinh thực phẩm) đưa ra các yêu cầu vệ sinh cụ thể theo từng công đoạn sản xuất, kinh doanh rau quả và là một biện pháp nhằm đảm bảo ATTP. Cụ thể, cơ sở sản xuất, kinh doanh rau quả tươi ở công đoạn sản xuất ban đầu (trồng trọt, thu hoạch, sơ chế, đóng gói tại chỗ), trừ rau mầm phải tuân thủ các yêu cầu vệ sinh chung như ở EU (áp dụng các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm từ mọi nguồn, lưu giữ hồ sơ tài liệu, sẵn sang cung cấp cho nhà nhập khẩu EU). Đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh rau mầm và các sản phẩm rau quả từ sau công đoạn sản xuất ban đầu, phải tuân thủ các yêu cầu vệ sinh chung, bắt buộc phải xây dựng và duy trì các quy trình quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACC.
(v) Yêu cầu bổ sung của khách hàng về an toàn thực phẩm
Xu hướng là ngày càng có nhiều khách hàng, nhà nhập khẩu EU (siêu thị, hãng bán lẻ…) đòi hỏi nhà xuất khẩu rau quả phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn so với quy định theo pháp luật EU quy định. Cụ thể, họ chỉ nhập khẩu thực phẩm nhiễm dư lượng thuốc BVTV dưới mức MRL của EU ( nhiều siêu thị EU ở Tây, Bắc Âu chỉ chấp nhận MRL ở mức dưới 33%-80% MRL do EU quy định hoặc yêu cầu có kết quả phân tích kèm theo lô hàng); phần lớn doanh nghiệp nhập khẩu yêu cầu có chứng nhận GlobalGAP (mặc dù EU chưa bắt buộc) hoặc yêu cầu có chứng nhận theo Tiêu chuẩn BRC toàn cầu hay tiêu chuẩn IFC (nhà nhập khẩu Đức).
b) Các biện pháp về kiểm dịch thực vật
Quy định (EU) 2016/2031 (Luật về sức khỏe thực vật) có hiệu lực từ 14/12/2019 thay thế Quy định 2000/29/EC quy định các biện pháp phòng vệ đối với dịch hại thực vật, nhằm ngăn chặn sự du nhập và lây lan của dịch hại thực vật trên lãnh thổ EU. Dưới đây là một số quy định chi tiết:
(i) Danh mục đối tượng kiểm dịch của EU: Quy định (EU) 2019/2072 (Phụ lục II) xác định danh mục gồm 152 đối tượng chưa được biết đến đã xuất hiện ở EU và 22 đối tượng được biết đã xuất hiện trên lãnh thổ EU; danh mục này thường xuyên được thay đổi và cập nhật. Cơ quan quản lý, cơ sở sản xuất, xuất khẩu cần đặc biệt quan tâm tới những đối tượng kiểm dịch của EU có mặt ở Việt Nam, trong đó bệnh loét vi khuẩn trên cây có múi, ruồi đục quả phương Đông và dòi đục lá rau cần kiểm soát chặt chẽ.
(ii) Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (KDTV): Theo Quy định (EU) 2019/2072, thực vật, sản phẩm từ thực vât, trong đó có rau quả khi xuất khẩu vào EU phải được Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam cấp Giấy chứng nhận KDTV. Các sản phẩm từ thực vật đã qua chế biến, trong đó có rau quả chế biến (ví dụ, rau quả đông lạnh và trái cây cắt sẵn) và 5 loại quả tươi hoặc khô gồm dứa, sầu riêng, chuối, dừa (có vỏ hoặc đã bóc vỏ), chà là là các đối tượng được miễn Giấy chứng nhận KDTV.
c) Các biện pháp kiểm tra và xử phạt
Nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định SPS, EU không chỉ kiểm tra hàng hóa ở cửa khẩu mà còn ở bất kỳ giai đoạn nào của chuỗi sản xuất thực phẩm bằng hình thức kiểm tra hồ sơ, kiểm tra nhận dạng ngẫu nhiên, kiểm tra thực tế trực tiếp tại các siêu thị... Do đó, đòi hỏi tất cả thực phẩm nhập khẩu vào EU phải được theo dõi, lưu giữ hồ sơ và có thể truy xuất nguồn gốc trên toàn bộ chuỗi cung ứng “từ trang trại đến bàn ăn”, đảm bảo thực phẩm không an toàn nhanh chóng bị thu hồi. Nếu phát hiện vi phạm các quy định hoặc có nguy cơ gây rủi ro cho con người, động thực vật, EU sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ dựa trên “nguyên tắc phòng ngừa”, cho phép EU và các nước thành viên áp dụng các biện pháp phòng ngừa tạm thời bỏ qua các bằng chứng khoa học.
Các biện pháp xử phạt của EU rất nghiêm khắc. Nếu vi phạm liên quan đến ATTP, Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) được kích hoạt gửi thông báo đến tất cả các nước thành viên; các nước thành viên có thể đưa ra biện pháp phù hợp, mà cực đoan nhất là cấm nhập khẩu ( một phần hoặc toàn bộ) từ nước vi phạm. Nếu vi phạm liên quan đến KDTV, lô hàng có thể bị tiêu hủy hoặc đưa ra khỏi EU; trừ trường hợp nước thành viên EU có biện pháp xử lý phù hợp giúp loài bỏ nguy cơ dịch bệnh thì lô hàng đó có thể được lưu hành trong EU. Trường hợp vi phạm lặp lại, nước xuất khẩu và mặt hàng vi phạm sẽ bị đưa vào danh sách cảnh báo của EU. Khi đó, sản phẩm sẽ chịu sự kiểm tra tăng cường hoặc các biện pháp nghiêm ngặt hơn ( ví dụ, 50% lô hàng bị lấy mẫu kiểm tra tại cửa khẩu hay yêu cầu có đánh giá rủi ro kèm theo Giấy chứng nhận KDTV…).
1.3. Các biện pháp TBT chính đối với rau quả nhập khẩu vào EU
Đối với rau quả, phần lớn các quy định là biện pháp SPS, tuy nhiên cũng có một số quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc (biện pháp TBT) có ảnh hưởng đến việc tiếp cận thị trường EU, trong đó quy định ghi nhãn và tiêu chuẩn tiếp thị (marketing) có tác động lớn nhất.
a) Tiêu chuẩn tiếp thị (marketing standards)
Theo Quy định (EU) 543/2011, tiêu chuẩn tiếp thị đối với rau quả tươi được chia làm 2 loại (i) Tiêu chuẩn tiếp thị cụ thể (SMS) áp dụng cho 10 loại rau quả: táo, cam quýt, kiwi, rau diếp (lá xoăn và lá rộng), đào và xuân đào, lê, dâu tây, ớt ngọt, nho và cà chua và (ii) Tiêu chuẩn tiếp thị chung (GMS) được áp dụng cho các loại rau quả tươi khác.
- Sản phẩm SMS và GMS đều phải tuân thủ yêu cầu chung về chất lượng và độ chín tối thiểu, phù hợp với tiêu chuẩn CODEX, 2007 đối với rau quả tươi. Mỗi lô sẽ cho phép 10% số lượng hay khối lượng sản phẩm không đạt yêu cầu chất lượng tối thiểu. Trong phạm vi cho phép này, không được quá 2% tổng số lô được có sản phẩm bị thối.
- Sản phẩm SMS phải tuân thủ thêm các quy định về phân hạng (loại thượng hạng, loại I và loại II) với tiêu chí cụ thể về chất lượng, kích thước và phải chứng nhận hợp chuẩn cho mỗi lô hàng. Giấy chứng nhận do nước thành viên EU cấp sau khi kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra trực tiếp tại cửa khẩu. Ngoài ra, hiện EU chấp thuận 1 số nước thứ 3 (Ấn Độ, Nam Phi, Moroco, Kenya, Senegal, Thổ Nhĩ Kỳ) được cấp giấy chứng nhận trước khi vào EU.
- Đối với các sản phẩm nhập khẩu dùng cho chế biến thì không phải áp dụng quy định này, tuy nhiên trên bao bì phải ghi "dùng cho chế biến".
b) Ghi nhãn
Quy định (EU) 1169/2011 thống nhất cách ghi nhãn thực phẩm nói chung và các thông tin tối thiểu cần in trên bao bì trên toàn EU, nhìn chung khá phức tạp và chi tiết. Đối với sản phẩm rau quả phải có những thông tin chính sau:
- Rau quả tươi: tên và địa chỉ của nhà đóng gói hoặc vận chuyển, tên sản phẩm, nước xuất xứ, loại và kích cỡ (theo tiêu chuẩn thị trường), số lô để truy xuất hoặc mã số chứng nhận GlobalGAP ( nếu có), xử lý sau thu hoạch: ví dụ chất chống mốc được dùng trong xử lý cam quýt sau thu hoạch...
- Rau, quả chế biến: tên sản phẩm, tên nước xuất xứ, tên và địa chỉ của nhà sản xuất, khối lượng tịnh, thời gian bảo quản, thông tin nhận dạng nhà sản xuất hoặc số lô, giá trị dinh dưỡng (giá trị năng lượng, hàm lượng chất béo, đường, muối, protein…), cảnh báo dị ứng (nếu có), chất phụ gia và xử lý sau thu hoạch…Rau quả đông lạnh cần ghi rõ đông lạnh (frozen) hay đông lạnh nhanh ( quick frozen) và ngày tháng đông lạnh; rau quả sấy khô cần ghi rõ sản phẩm được sấy khô tự nhiên hay thêm đường, phương pháp chế biến cô đặc hay làm thành bột…
- Từ ngữ trên nhãn là một trong những ngôn ngữ chính thức của một nước thành viên EU và người tiêu dùng dễ hiểu.
2. Các biện pháp khắc phục các rào cản phi thuế quan nhằm thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam vào thị trường EU
2.1. Số liệu xuất khẩu và các vi phạm của rau quả Việt Nam tại thị trường EU
Từ 1/8/2020, Hiệp định EVFTA có hiệu lực, rau quả Việt có cơ hội lớn so với Brazil, Philippine, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan (không có FTA với EU)... do khoảng 94% trong 547 dòng thuế rau quả tươi và chế biến đã về 0%. Số liệu giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam cho thấy xu hướng gia tăng sau EVFTA, cụ thể năm 2022 đạt gần 230 triệu USD tăng 34,7% so với năm 2021; 7 tháng đầu năm 2023 đạt 139,3 triệu USD tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù vậy, rau quả Việt Nam mới chiếm chưa tới 1% tổng giá trị nhập khẩu của EU (Bộ Công Thương, Thông tin xuất khẩu vào thị trường EU). Nguyên nhân cơ bản là rau quả Việt Nam gặp khó trước các rào cản phi thuế quan khắt khe của EU, nhất là về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, EU có 40 cảnh báo đối với nông sản Việt Nam, trong đó 9 cảnh báo với rau quả, chiếm 22,5%, chủ yếu vi phạm về dư lượng thuốc BVTV. Sau nhiều năm rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây của Việt Nam bị áp mức kiểm soát chặt, lấy mẫu phân tích với 50% lô hàng tại cửa khẩu, từ 26/1/2023 được trở về mức kiểm soát thông thường. Tuy nhiên, ớt, thanh long vẫn tiếp tục bị kiểm soát chặt và đậu bắp từ mức kiểm soát thông thường bị sang kiểm soát chặt… Đối với KDTV, năm 2020 và tháng 6 đầu năm 2023, EU đã cảnh bảo 170 lần, trong đó 28 cảnh báo liên quan đến sâu bệnh hại (phát hiện nhiễm đối tượng EU kiểm soát nghiêm ngặt của EU như: Ruồi đục quả, Dòi đục lá, Bọ trĩ, Bọ phấn, Vi khuẩn gây bệnh loét cam quýt…); 133 cảnh báo liên quan đến Giấy chứng nhận KDTV (khối lượng, chủng loại rau quả ghi trong Giấy chứng nhận KDTV không trùng khớp với thực tế của lô hàng; lô hàng không có Giấy chứng nhận KDTV theo quy định; Giấy chứng nhận ghi không đúng quy định của EU…) và 4 cảnh báo vì lý do khác (vật liệu đóng gói và chèn lót bằng gỗ không tuân thủ quy định của EU; loài thực vật không được phép nhập khẩu vào EU…). Có thể tra cứu các thông báo và dự thảo quy định SPS của EU và các nước thành viên WTO trên trang web của Văn phòng SPS Việt Nam: http://www.spsvietnam.gov.vn/thong-bao-cac-nuoc-thanh-vien
2.2. Nguyên nhân vi phạm
- Quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế: đầu tư cho khoa học, công nghệ, khuyến nông, cũng như thông tin, truyên truyền pháp luật, quy định của EU vẫn còn hạn chế; hệ thống giao thông, hệ thống kho bãi, dịch vụ logistic (kho lạnh, container lạnh) phục vụ sản xuất, chế biến, xuất khẩu chưa đồng bộ; nhiều hoạt chất bị cấm hoặc chưa được EU phê duyệt vẫn có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nan; vẫn tồn tại tình trạng buôn bán, sử dụng thuốc BVTV cấm…
- Nông dân sản xuất rau quả chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán: thiếu hiểu biết các quy định của EU về SPS, TPT; thói quen chạy theo năng suất, lạm dụng phân hóa học, thuốc BVTV, không tuân thủ thời gian cách ly; khó tạo liên kết giữa nông dân-nông dân, giữa nông dân - doanh nghiệp hoặc mong manh, dễ đổ vỡ...
- Doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu đa số còn nhỏ và siêu nhỏ; nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ, chưa cập nhật các quy định của EU; chưa kiểm soát chất lượng, ATTP từ gốc do đa số không có vùng nguyên liệu ổn định, thiếu liên kết với nông dân, chủ yếu thu mua qua trung gian; nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng hoặc chưa tuân thủ đúng HACC; công nghệ chế biến, bảo quản lạc hậu, đặc biệt thiếu công nghệ bảo quản trái cây tươi từ 1-2 tháng; hệ thống logistic, kho lạnh, container lạnh còn hạn chế…
2.3. Đề xuất một số giải pháp khắc phục các rào cản phi thuế quan nhằm thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam vào EU
a) Đối với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp
- Cần tiếp tục rà soát danh mục thuốc BVTV dùng cho rau quả xuất khẩu sang EU, loại bỏ một số hoạt chất mà EU đã cấm; bổ sung các hoạt chất mới, nhất là thuốc BVTV sinh học; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV nhập lậu, ngoài danh mục.
- Cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, hiểu biết của doanh nghiệp, nông dân về các rào cản phi thuế quan của EU; cập nhật, thông tin kịp thời các cảnh báo của EU, nêu rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
- Cần có chính sách đủ mạnh hỗ trợ nông dân tham gia hợp tác xã, giúp doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã để hình thành các vùng nguyên liệu lớn, tập trung, ổn định; Triển khai việc quy hoạch vùng trồng, thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói rau quả xuất khẩu vào EU như các thị trường Mỹ, Trung quốc, Nhật Bản, Úc… để đồng bộ áp dụng các quy trình sản xuất, quản lý dịch hại, đảm bảo ATTP và truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ gốc.
- Ưu tiên đầu tư nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về BVTV sinh học, giống kháng bệnh, phương pháp chế biến bảo quản rau quả tiên tiến; xây dựng các quy trình canh tác, các mô hình khuyến nông rau quả bền vững theo Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), trong đó ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, giống sạch bệnh, thuốc BVTV sinh học…
- Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng về thủy lợi, phát triển hệ thống logistics (giao thông, phương tiện vận chuyển chuyên dùng, kho lạnh bảo quản, sàn giao dịch...) cho các vùng sản xuất rau quả tập trung để xuất khẩu vào EU và các thị trường khác.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đầu tư các phòng kiểm nghiệm đủ năng lực phát hiện vi phạm từ sớm, trước khi xuất khẩu; kịp thời hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu…
b) Đối với nông dân và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu rau quả
- Nông dân cần liên kết, xây dựng hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc theo tiêu chuẩn hữu cơ đang là xu hướng của thị trường EU. Trong canh tác, đặc biệt lưu ý áp dụng các biện pháp sinh học, không sử dụng các hoạt chất không được phép sử dụng tại Việt Nam và EU và chỉ sử dụng thuốc BVTV khi thật cần thiết nhưng phải đảm bảo "nguyên tắc 4 đúng" và tuân thủ thời gian cách ly; đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thực phẩm của EU trong công đoạn trồng trọt, thu hoạch, vận chuyển sản phẩm rau quả tươi tránh nguy cơ nhiễm vi khuẩn có hại Samonella, E.coli...
- Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu phải thiết lập, thực thi nghiêm túc hệ thống quản lý HACCP; chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu ổn định trên cơ sở liên kết bền chặt với hợp tác xã, nhóm hộ, nông dân; chủ động kiểm soát chất lượng, ATTP, sâu bệnh hại từ nguyên liệu đầu vào thông qua hỗ trợ đầu tư, hướng dẫn, giám sát nông dân thực hành nông nghiệp tốt… Doanh nghiệp cần ưu tiên đầu tư các nhà máy chế biến sâu tạo ra các sản phẩm vừa có giá trị gia tăng cao, dễ bảo quản, giảm thủ tục KDTV khi xuất khẩu; cần đặc biệt quan tâm đến hệ thống logistics, kho lạnh, continer lạnh, công nghệ bảo quản, vận chuyển, lưu thông rau quả tươi.