Phòng dịch ngay từ các nông hộ chăn nuôi
2023-08-16
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tỉnh Bắc Kạn đang dồn lực phòng ngừa, ngăn chặn, trong đó tập trung phòng dịch ngay từ các nông hộ chăn nuôi.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tỉnh Bắc Kạn đang dồn lực phòng ngừa, ngăn chặn, trong đó tập trung phòng dịch ngay từ các nông hộ chăn nuôi.
Chị Triệu Thị Gia khử trùng chuồng trại trước khi nuôi lứa lợn nái mới. Ảnh: Ngọc Tú.
Những ngày này, chị Triệu Thị Gia, thị trấn Phủ Thông (huyện Bạch Thông) đang chuẩn bị chuồng trại để nuôi lứa lợn mới. Lứa lợn vừa rồi nhờ làm tốt công tác phòng dịch nên chị Gia xuất bán lợn đúng kế hoạch. Dù chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi năm chỉ vài con lợn nái, nhưng nguồn thu nhập cũng giúp chị trang trải phần nào chi tiêu trong gia đình.
Chị Gia cho biết, chăn nuôi lợn phải hết sức chú ý phun thuốc sát trùng và có chỗ nuôi lợn biệt lập. Hiện nay dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp nên trước khi chăn nuôi gia đình phải phun thuốc khử trùng 2 lần, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Ngoài ra, gia đình cũng dùng những loại vacxin đã được khuyến cáo để phòng bệnh cho đàn lợn.
Hiện nay, tổng đàn lợn của huyện Bạch Thông khoảng 20.000 con, đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên việc phòng dịch gặp khó khăn. Nhiều hộ chưa chú ý đến phòng dịch, đặc biệt là vệ sinh chuồng trại, cách ly các nguồn lây, việc phun khử khuẩn khó thực hiện đồng bộ trên diện rộng.
Ông Lăng Văn Thụy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bạch Thông cho biết, trước thực trạng một số huyện lân cận đã có dịch tả lợn Châu Phi, đơn vị đã cử cán bộ thú y xuống từng thôn, bản để vận động, hướng dẫn bà con phun khử trùng tiêu độc chuồng trại theo đúng quy trình. Duy trì thường xuyên kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ dọc Quốc lộ 3.
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bắc Kạn cho biết, đến đầu tháng 7/2023, toàn tỉnh đã phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi, đường làng, ngõ xóm, tổng số hóa chất đã sử dụng gần 3.700 lít.
Ngoài ra, do năm 2022 tỉnh Bắc Kạn đã xảy nhiều ổ bệnh dịch tả lợn Châu Phi, một số ổ dịch lở mồm long móng trên gia súc và bệnh dại ở động vật nên Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã xuất hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ cho tỉnh 10.000 lít hóa chất sát trùng Han - Iodine 10%.
Toàn bộ số hóa chất sát trùng này đã được phân bổ về các huyện, thành phố, các địa phương đã phun khử khuẩn trên diện rộng để phòng dịch.
Khử khuẩn là giải pháp quan trọng để ngăn ngừa dịch bệnh. Ảnh: Quang Linh.
Tại Bắc Kạn, sau 1 năm vắng bóng, gần đây đã xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi tại hai huyện Na Rì và Pác Nặm. Dù dịch chưa lây lan ra diện rộng nhưng cũng khiến người chăn nuôi lo lắng. Nhiều nông hộ đang nghe ngóng chưa dám tái đàn, một số hộ giảm quy mô chăn nuôi.
Ông Sằm Văn Hoạt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Pác Nặm cho rằng, do đặc thù miền núi, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên các biện pháp phòng dịch chưa đồng bộ, khó triển khai, nhất là các thôn vùng sâu, vùng xa.
Hiện nay, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đang tăng cường tuyên truyền đến bà con chăn nuôi về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh trên đàn vật nuôi, khuyến khích chăn nuôi theo hướng an toàn.
“Khó khăn hiện nay là một số xã trên địa bàn huyện Pác Nặm chưa có thú y viên cơ sở, một số kiêm nhiệm gây ảnh hưởng đến công tác phòng dịch. Bên cạnh đó, kinh phí chi trực tiếp cho người tham gia phòng, chống dịch còn thấp”, ông Hoạt chia sẻ.
Ngoài dịch tả lợn Châu Phi, năm nay nhờ chủ động phòng dịch, đến thời điểm này tỉnh Bắc Kạn chưa xuất hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, đàn gia cầm cũng phát triển tốt. Tiêm phòng đợt 1 vacxin lở mồm long móng và vacxin tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò đều đạt hơn 80% kế hoạch.
Hiện, đàn gia súc (trâu, bò, ngựa) của tỉnh Bắc Kạn khoảng 63.000 con, đàn lợn 165.000 con, dê trên 21.000 con. Sáu tháng năm 2023, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt hơn 12.000 tấn.