Chuyện hạt gạo xuất khẩu ở HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú
2023-07-18
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội chứng kiến quá trình sản xuất gạo ở HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú đã thốt lên những lời cảm phục.
HTX đã phối hợp cùng doanh nghiệp bao tiêu dán tem truy xuất nguồn gốc nên người tiêu dùng ở mọi nơi, mọi lúc có thể kiểm tra xác thực thông tin nhanh nhất. Đây là cách mà Đồng Phú vừa nâng cao được giá trị cho hạt gạo hữu cơ vừa tạo được niềm tin vững chắc với người tiêu dùng Thủ đô. Sản phẩm của Đồng Phú đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao, xuất khẩu sang những thị trường Mỹ, châu Âu…
Để đạt được những thành công đó là cả một quá trình gian khó của người dân Đồng Phú nói chung và HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đồng Phú nói riêng. Năm 2012, Tiến sĩ Ka Ko người Nhật Bản được Tổ chức JICA (Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản) cử về Đồng Phú thực hiện thí điểm dự án Pamci, tức chương trình hợp tác của 2 trường Đại học Tokyo Nhật Bản và Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Trước đó, người dân ở đây chỉ biết đến lối canh tác theo thói quen, tập quán, phun thuốc trừ sâu bừa bãi, bón phân hóa học thoải mái. Bởi vậy sau bao thuyết phục, đào tạo, tập huấn cũng chỉ có một số nông dân tham gia vào dự án.
Khi dự án kết thúc, trao quyền lại tự chủ sản xuất cho nông dân thôn Thượng Phúc chỉ có 5ha hữu cơ. Nhưng do nhận thức được sản xuất hữu cơ chính là cách đảm bảo sức khỏe của chính mình trước tiên, năm 2015 nông dân ở đây đã tự động mở rộng lên 9 ha/vụ, năm 2016 lên 15ha/vụ, năm 2017 lên 25ha/vụ.
HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đồng Phú được thành lập năm 2017 với 89 thành viên để có một tổ chức chỉ đạo thống nhất, chung một tiếng nói đoàn kết với người dân.
Đến nay HTX đã phát triển lên trên 100 thành viên và áp dụng những biện pháp rất nghiêm ngặt trong sản xuất như quên ghi sổ sách giảm giá thu mua, không tham gia họp nhóm mỗi buổi phạt 50.000 đồng, có vỏ bao thuốc sâu hay bón lẫn phân hóa học thì dừng thu mua sản phẩm.
Cánh đồng hữu cơ ở Đồng Phú trở thành nơi nhiều người đến chụp ảnh
Các thành viên không được dùng bất cứ loại hóa chất nào ngoài phân chuồng ủ hoai mục để chăm sóc cho lúa. Ngay cả nước tưới trước khi được dẫn vào ruộng thì mương máng phải được thau rửa, các cửa cống dẫn vào khu phải được đặt các túi than hoạt tính để lọc nước.
Khi thu hoạch lúa phải được kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng. Toàn bộ quá trình sản xuất phải được các thành viên ghi chép tỉ mỉ vào sổ sách để tiện quản lý sau này. Khác với việc sản xuất theo tập quán, lề lối thông thường, sản xuất hữu cơ phải theo nhóm, theo cả khu ruộng. Các hộ nông dân ngoài chăm lo làm trên thửa ruộng của mình còn phải giám sát lẫn nhau theo tổ để đảm bảo quy trình sản xuất được thực hiện một cách tốt nhất.
Mấy năm gần đây, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú đã ký hợp đồng liên kết với Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam và mới đây nhất là Công ty Bảo Minh để tiêu thụ 100% sản phẩm lúa gạo.
Dù không dùng lượng hóa học nào nhưng năng suất vẫn đạt 170 - 180 kg/sào, thóc được thu mua tươi ngay tại ruộng mỗi 1kg giá cao hơn thông thường. Ngoài 2 vụ lúa ra, HTX còn tổ chức cho người dân trồng luân canh vụ đậu tương cũng theo phương pháp hữu cơ vừa bồi bổ đất vừa giúp cho tổng thu nhập được nâng cao thêm nữa. Đối chứng với sản xuất thông thường phương pháp hữu cơ đã thêm được 96 triệu đồng/ha.
Chị Trịnh Thị Nguyệt - Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú cho hay, trong thời gian tới ngoài việc sản xuất lúa gạo đơn vị còn có thể phối hợp với doanh nghiệp để đa dạng hóa thêm sản phẩm như chế biến bún tươi, bánh, sữa thậm chí còn chiết xuất tinh dầu gạo làm sản phẩm hỗ trợ cho những người ăn kiêng hoặc ăn điều trị bệnh…
Nguồn NÔNG NGHIỆP