Vực dậy xuất khẩu nông sản
2023-05-06
Sau một năm thăng hoa khi lập kỷ lục đạt 53,2 tỷ USD, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp (DN) choáng váng bởi tình thế thay đổi quá nhanh, từ chỗ làm không hết việc, nay phải “ăn đong” từng đơn hàng.
Sau một năm thăng hoa khi lập kỷ lục đạt 53,2 tỷ USD, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp (DN) choáng váng bởi tình thế thay đổi quá nhanh, từ chỗ làm không hết việc, nay phải “ăn đong” từng đơn hàng.
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Thuận Phước, cho biết, thời điểm này năm ngoái, DN phải tăng ca suốt đêm; phải từ chối nhiều đơn hàng vì thời gian gấp, và nguồn cung có thể chuẩn bị không đủ. Nhưng từ đầu năm đến nay, DN chỉ ký được một số đơn hàng nhỏ lẻ theo từng tháng. Có nhiều thời điểm, DN phải cho nhân viên nghỉ việc luân phiên, sản xuất cầm chừng.
Hàng loạt khách hàng lớn ở thị trường Mỹ, EU thông báo lượng tôm, cá tồn kho còn khá nhiều nên hầu như DN không có đơn hàng lớn nào. Nếu có, các đối tác cũng ép giá rất mạnh. Không ít đơn vị vì muốn duy trì sản xuất, đành phải chấp nhận bán với giá vốn, thậm chí lỗ để quay vòng vốn, có tiền trả nợ ngân hàng.
Sau khi lập kỷ lục gần 11 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản đang lao dốc. Ảnh: ANV
Đại diện Công ty TNHH Chế biến thủy sản Sơn Trà cho biết, nếu thời điểm này năm ngoái, DN đã xuất khẩu được hơn 30 tấn hàng, năm nay con số này giảm hơn 30%.
Thị trường mà DN mong chờ nhất là Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại cũng không còn đặt mua nhiều như trước. Trước đây, công ty có khoảng 250 lao động, nhưng hiện đã cắt giảm khoảng 50%.
Không chỉ DN thủy sản, các DN xuất khẩu gỗ và lâm sản đang chứng kiến không khí sản xuất rất ảm đạm. Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Sao Nam, cho biết, Mỹ vốn là thị trường xuất khẩu chính, chiếm khoảng 90% lượng xuất khẩu của DN nhưng hiện lượng đơn hàng từ thị trường này chỉ đạt khoảng 60-65% của cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan Các DN xuất khẩu phải điều chỉnh hợp lý, đa dạng sản phẩm xuất khẩu, căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng thị trường, tìm hướng đi riêng cho sản phẩm. Với thủy sản, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu... nhưng sang một số thị trường mới như Trung Đông, Isarel… có sự tăng trưởng. Do đó, các DN cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do, khai thác một số thị trường mới để bù đắp sự sụt giảm.
Đối với mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, các DN phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Thay vì chỉ cung cấp đồ gỗ với những mẫu mã giống nhau, bán giá rẻ số lượng lớn, các DN nên chuyển hướng sang sản xuất hàng có mẫu mã độc đáo.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để hỗ trợ các DN, ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai các biện pháp mở rộng thị trường, vực dậy xuất khẩu, tăng sức mua ở thị trường nội địa. Trước mắt, ngành nông nghiệp tập trung phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ DN ký kết đơn hàng xuất khẩu mới; tổ chức hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc; tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Anh…