Thiết lập hệ thống dữ liệu nuôi yến, truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu

2023-03-07

Các cơ sở nuôi chim yến và các doanh nghiệp chế biến tổ yến vẫn lúng túng trong việc đăng ký xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ tổ yến vào thị trường Trung Quốc…



Mặc dù Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã có hiệu lực từ ngày 9/11/2022. Tuy nhiên đến nay, các cơ sở nuôi chim yến và các doanh nghiệp chế biến tổ yến vẫn lúng túng trong việc đăng ký xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ tổ yến vào thị trường Trung Quốc…

Phải quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi chim yến.

Phải quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi chim yến.

Bà Trần Thị Thu Phương, Cục Thú y cho biết Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm 16 điều về các quy định đối với nhà nuôi chim yến, doanh nghiệp chế biến tổ yến, doanh nghiệp xuất khẩu; yêu cầu đối với bao bì, ghi nhãn, kiểm dịch, kiểm tra, giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

THIẾT LẬP HỆ THỐNG ĐĂNG KÝ ĐIỆN TỬ CHO NUÔI CHIM YẾN

Theo bà Phương, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm tổ yến, yến sào sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, thì phải tiến hành đăng ký nhà nuôi yến với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để có mã số nhà yến; có văn bản gửi Cục Thú y đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ kèm theo danh sách các nhà nuôi chim yến cung cấp tổ yến nguyên liệu cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, cần phối hợp để tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các bệnh, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc; chuẩn bị hồ sơ, thông tin, dữ liệu để đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo yêu cầu của Trung Quốc và hướng dẫn của Cục Thú y.

Ông Đỗ Văn Hoan, Phó Trưởng phòng Giống Vật nuôi - Cục Chăn nuôi, cho biết: "Theo thống kê, đến hết năm 2022, số lượng nhà yến trên toàn quốc là 23.665. Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất là Kiên Giang, Khánh Hòa và Lâm Đồng. Tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang (2.995), Bình Định (1.722)"

Tại Diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm” vừa diễn ra, ông Đỗ Văn Hoan, Phó Trưởng phòng Giống Vật nuôi - Cục Chăn nuôi nhận định bên cạnh những thuận lợi, việc nuôi chim yến vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Đó là, việc gây nuôi còn mang tính tự phát, phong trào, chưa có định hướng phát triển dài hạn; kiếm soát dịch bệnh đối với chim yến còn nhiều bất cập về kiến thức dịch tễ học; thiếu tính liên kết của một ngành hàng, chưa truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Để hỗ trợ và phát triển ngành nuôi yến của Việt Nam, hướng đến việc đáp ứng những yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Cục Chăn nuôi xây dựng dữ liệu quốc gia về số lượng nhà nuôi chim yến, sản lượng tổ yến sát với thực tế, có độ chính xác cao để phục vụ công tác quản lý, xuất khẩu. Đồng thời, chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan với Cục Thú y để cung cấp theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Ông Đỗ Văn Hoan cho hay hệ thống sẽ cập nhật dữ liệu liên tục, qua đó, hình thành kênh giao tiếp hai chiều giữa doanh nghiệp sản xuất và cơ quan quản lý Nhà nước. Việc cấp mã số đối với cơ sở nuôi chim yến được thực hiện như sau:

Bước 1. Chủ cơ sở nuôi chim yến điền đầy đủ thông tin vào Bản kê khai hoạt động nuôi chim yến theo Mẫu số 01 và gửi đến UBND cấp xã.

Bước 2. Chủ cơ sở nuôi chim yến truy cập Hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi tại địa chỉ tên miền https://csdlchannuoi.mard.gov.vn để khai báo thông tin theo yêu cầu của Hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi và đính kèm bản chụp Mẫu số 01 đã được UBND cấp xã xác nhận, 01 ảnh chụp mặt trước cơ sở nuôi chim yến.

Bước 3. Chi cục quản lý nhà nước về chăn nuôi cấp tỉnh kiểm tra và xác nhận thông tin cơ sở nuôi chim yến trên Hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi. Hệ thống tự động cấp mã số cơ sở nuôi chim yến, đồng thời báo mã số trên tài khoản và gửi vào email của chủ cơ sở.

“Trường hợp cơ sở nuôi chim yến "Đăng ký xuất khẩu", Chi cục quản lý nhà nước về chăn nuôi cấp tỉnh lập danh sách, kiểm tra thực tế, đính kèm kết quả kiểm tra thực tế lên Hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi. Hệ thống tự động cấp mã số cơ sở nuôi chim yến phục vụ xuất khẩu khẩu, đồng thời báo mã số trên tài khoản và gửi vào email của chủ cơ sở”, ông Hoan thông tin.

YẾN SÀO PHẢI LÀM TỪ TỔ YẾN, NẾU “ĐỘN” PHẢI GHI RÕ THÀNH PHẦN

Một đại biểu tham dự Diễn đàn đặt câu hỏi: “Khi một hộ nuôi Yến tham gia truy xuất nguồn gốc và một không tham gia, vậy giá bán sản phẩm tổ yến có khác nhau?"

Ông Đỗ Văn Hoan cho biết: Đối với sản phẩm yến sào, hiện nay giá bán được quyết định bởi hai yếu tố, thứ nhất là chất lượng sản phẩm, thứ hai là lòng tin của người mua đối với người bán.

Ông Hoan lấy dẫn chứng: “Tôi có thể chi ra 3 triệu/kg yến sào đối với sản phẩm mà người ta thu hái ở nhà yến rồi sơ chế cho tôi mang về dùng. Còn nếu ở ngoài thị trường bán 2 triệu/kg, mà tôi không biết sản phẩm lấy từ đâu thì tôi không thể mua được loại yến giá rẻ đó. Như vậy, việc truy xuất hay không truy xuất nguồn gốc sản phẩm như đại biểu tham gia diễn đàn hỏi, nó không tạo nên giá bán của sản phẩm”.

Ông Hoan cho hay đôi khi việc truy xuất là bắt buộc theo quy định của pháp luật cũng như yêu cầu của thị trường nhập khẩu. “Tuy nhiên, hiện nay cán bộ cấp xã vẫn phải đi đếm, tự thống kê nhà yến và thu thập tài liệu để báo cáo về Bộ. Nhà nước muốn khuyến khích, muốn mở hệ thống cơ sở dữ liệu để cho nhà chăn nuôi tự nguyện đăng ký khai báo, nhưng vẫn phải bắt buộc bằng biện pháp hành chính, thì các cơ sở mới đăng ký”, ông Hoan nói.

Một đại biểu khác nêu vấn đề: Hiện nay tình trạng nhập lậu tổ yến về chế biến rất phổ biến, đề nghị Cục Chăn nuôi trả lời về vấn đề này? Trên thị trường nước ta hiện nay, xuất hiện rất nhiều sản phẩm làm từ yến sào là giả. Các mặt hàng yến sào giả ấy đều có giá bán đắt ngang ngửa sản phẩm yến thật và được làm rất tinh vi, tinh xảo, bày bán khắp các thị trường trong nước từ Bắc chí Nam.

Có rất nhiều chiêu thức làm yến sào giả: yến trắng nhuộm thành yến huyết (vì yến huyết có giá trị cao gấp 2-3 lần so với yến trắng), yến độn (dùng tổ yến vỡ rồi vá, độn thêm tinh bột hay đường hoá học để tăng khối lượng yến), yến làm bằng tinh bột, phun sương để tăng trọng lượng... Trong nhiều sản phẩm tỏ yến, người ta “độn” thêm những chất như đường, muối, chất kết dính, mủ trôm, agar, tinh bột… vào tổ yến. Tổ yến và yến sào khi bị “độn” sẽ bị giảm giá trị dinh dưỡng, không còn an toàn đối với sức khỏe của người sử dụng.

Liên quan đến vấn đề nhập lậu tổ yến, ông Hoan cho biết những năm qua sản phẩm yến của nước bạn chuyển về thị trường Việt Nam tiêu thụ nội địa. "Số liệu nhập khẩu thì chúng tôi cũng không ước được bao nhiêu nhưng qua quan hệ và thông tin, chúng tôi nhận thấy người nhập khẩu tổ yến từ các nước về còn nhiều yến hơn là những đầu mối thu mua ở trong nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đánh giá một cách công bằng vẫn là yến thật người ta nhập rồi chế biến”, ông Hoan nói.

Đối với vấn đề “độn” trong sản phẩm tổ yến, ông Hoan nêu quan điểm: Khi ghi nhãn là sản phẩm tổ yến, yến sào thì phải đảm bảo được chế biến từ tổ yến thật, tức là 100% từ nước dãi của con chim yến. Đối với sản phẩm khác, không hoàn toàn là tổ yến thì cũng phải ghi rõ thành phần, cũng như lọ nước yến nhà sản xuất cho bao nhiêu % dãi nước yến trong đó, nó mới cấu thành nên giá trị sản phẩm.

Nguồn VNECONOMY