RÀO CẢN PHI THUẾ QUAN ĐỐI VỚI HÀNG XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM

2022-10-31

Toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại được nhiều học giả và nhà kinh tế ủng hộ trong thế kỷ qua. Song đi ngược với xu hướng này, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang tìm cách áp dụng các biện pháp phi thuế quan tinh vi hơn để tạo nên rào cản thương mại. Trong những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn từ các rào cản thương mại do các nước nhập khẩu tạo ra.



1. Rào cản phi thuế quan

Toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại được nhiều học giả và nhà kinh tế ủng hộ trong thế kỷ qua. Song đi ngược với xu hướng này, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang tìm cách áp dụng các biện pháp phi thuế quan tinh vi hơn để tạo nên rào cản thương mại. Trong những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn từ các rào cản thương mại do các nước nhập khẩu tạo ra.

Các biện pháp phi thuế quan (non-tariff measures - NTMs) được định nghĩa là các biện pháp chính sách thương mại ngoài thuế quan thông thường nhưng có thể có tác động kinh tế lên thương mại hàng hóa quốc tế, làm thay đổi số lượng và/hoặc giá cả của hàng hóa được mua bán.

Theo báo cáo của UNCTAD 2018 phân loại NTMs theo trình độ phát triển của các quốc gia thì các nước phát triển có tỷ lệ hàng nhập khẩu chịu quy định NTMs lớn hơn và sử dụng nhiều biện pháp đối với từng mặt hàng nhập khẩu hơn các nước đang phát triển hoặc kém phát triển (LDCs), trong khi đó LDCs có số quy định NTMs đối với hàng xuất khẩu nhiều gấp 2 lần so với các nước đang phát triển hoặc phát triển. Đối với nhập khẩu, trong khi trung bình khoảng 40% hàng nhập khẩu của LDCs được quản lý bằng các biện pháp phi thuế quan thì con số này là gấp đôi ở các nước phát triển. Các sản phẩm càng có tỷ trọng thương mại lớn thì càng sử dụng nhiều các biện pháp phi thuế quan. Tính trung bình, các nước phát triển sử dụng 4 NTMs khác nhau cho 1 sản phẩm thì các nước đang phát triển sử dụng 2 NTMs và các nước LDCs sử dụng 1 NTMs. Trong khi đó ngược lại đối với xuất khẩu, NTMs ảnh hưởng nhiều sản phẩm xuất khẩu hơn ở các nước kém phát triển hơn ở các nước phát triển.

2. Thực trạng rào cản phi thuế quan với hàng Việt nam

Trong khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ dần thì các nước lại gia tăng rào cản phi thuế quan, đặc biệt là hàng rào kỹ thuật, các biện pháp vệ sinh dịch tễ, chống trợ cấp, chống phá giá và tự vệ. Các nước đặt ra rào cản phi thuế quan rất khắt khe như vậy rõ ràng là thách thức lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi thuế quan có mục tiêu chính sách và cách thức thực hiện tương đối rõ ràng và đơn giản, mục tiêu thực hiện của các NTMs lại khá trừu tượng nên các nước (đặc biệt các nước phát triển, các nước có kinh nghiệm trong các vụ tranh chấp thương mại) có thể tận dụng để gây khó khăn cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Bảng 1. Số lượng NTMs áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam

Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực

TBT (1)

SPS (2)

PVTM (3)

Khác

Nhóm nông sản

6.281

12.009

15

5.758

Khoáng sản

2.564

824

3

1384

Nhóm công nghiệp chế biến

36.594

9.968

192

16.612

Dệt may

1.359

532

18

921

Giày dép

572

125

2

546

Máy móc và thiết bị điện

5.164

106

15

1.050

Nguồn: Tổng hợp từ https://trains.unctad.org/

 (1): TBT (tiếng Anh là Technical Barriers to Trade, viết tắt TBT). Đây là thuật ngữ trong lĩnh vực thương mại quốc tế chỉ hàng rào kỹ thuật trong thương mại, có nghĩa là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật mà một quốc gia, một vùng lãnh thổ (ví dụ như Châu Âu, Châu Á, các nước thuộc TWO…) áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu.

(2): SPS (tiếng Anh: Sanitary and Phytosanitary, viết tắt: SPS) là các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật của WTO.

(3): PVTM: phòng vệ thương mại

Bảng 1 thống kê và phân loại các NTMs của thế giới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hàng xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động của 44.408 NTMs, chiếm 72% của tổng số hơn 67.780 NTMs của thế giới; trong tổng số NTMs của Việt Nam có 54% là các hàng rào kỹ thuật, 27% thuộc biện pháp vệ sinh dịch tễ, 11% biện pháp xuất khẩu, 2% quản lý chất lượng, 2% biện pháp kiểm tra trước khi xếp hàng, 2% biện pháp quản lý giá và 0,4% biện pháp bảo vệ thương mại ngẫu nhiên. Tỷ lệ này cũng tương tự với tỷ lệ số lượng NTMs của thế giới, tuy tỷ lệ các biện pháp kỹ thuật và vệ sinh dịch tễ của thế giới cân bằng hơn ở Việt Nam và số lượng biện pháp kỹ thuật (40%) ít hơn số lượng biện pháp vệ sinh dịch tễ (41%).

Theo số liệu của Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, cho đến nay hàng hóa Việt Nam đã có 144 vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (trong đó số lượng vụ việc tăng lên từ sau năm 2012 với trên 10 vụ/năm, riêng năm 2018 có 19 vụ kháng kiện của các nước được khởi xướng).

Bảng 2 và bảng 3 mô tả số lượng NTMs của thế giới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam phân theo khu vực địa lý. Số lượng NTMs theo đối tác song phương ít hơn rất nhiều so với đối tác đa phương, tuy nhiên có thể thấy về song phương thì Mỹ, Niu Di-lân và Hàn Quốc là nước có nhiều NTMs nhất đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, tập trung vào biện pháp SPS. Về đa phương thì Trung Quốc, Mỹ, Niu Di-lân, Úc, Ca-na-da, Thái Lan là những nước có số lượng NTMs lớn đối với tất cả các nước và Việt Nam, tuy nhiên tập số lượng TBT chiếm ưu thế hơn so với số lượng SPS, trừ Thái Lan. Số lượng các biện pháp PVTM thì tập trung vào Mỹ với các vụ việc song phương với Việt Nam.

Bảng 2. Số lượng NTMs đối với Việt Nam phân theo khu vực

Đối tác

NTMs

Châu Phi

Châu Á

Châu Âu

Châu Mỹ La tinh

Trung Đông

Bắc Mỹ

Châu Đại Dương

Song phương

SPS

26

205

38

147

34

712

208

 

TBT

3

71

65

6

20

25

7

 

PVTM

0

16

6

9

0

11

1

 

Khác

26

125

235

39

41

75

6

Đa phương

SPS

1.073

3.528

325

3.194

942

2.159

1.057

 

TBT

1.257

9.668

899

5.112

1.060

3.817

2.468

 

PVTM

6

82

6

51

0

11

1

 

Khác

1.090

3.305

369

1.519

810

406

572

Nguồn: Tổng hợp từ https://trains.unctad.org/

3. Tác động của rào cản phi thuế quan

Bảo hộ thương mại khiến xuất khẩu của Việt Nam bị giảm sút hoặc không gia tăng như kỳ vọng. Trước áp lực về các biện pháp PVTM, trong khi Việt Nam: (i) chưa có nhiều kinh nghiệm để đối phó với các vụ tranh chấp thương mại, đặc biệt các tranh chấp thương mại hiện nay đòi hỏi các bên liên quan phải có sự am hiểu về luật thương mại, về cá nguyên tắc thương mại, các án lệ, tiền lệ pháp; (ii) khả năng kiểm định, giám định sản phẩm còn hạn chế và giá thành kiểm định, giám định cao khiến cho sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc vượt qua các rào cản kỹ thuật; (iii) doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa nắm rõ thông tin về các biện pháp bảo hộ thương mại của các quốc gia nhập khẩu với những quy định khắt khe, tinh vi và luôn được thay đổi, bổ sung; (iv) điều kiện đáp ứng các rào cản thương mại của Việt Nam còn yếu, thì bảo hộ thương mại thực sự là thách thức lớn với xuất khẩu của Việt Nam.

Mặc dù số lượng các vụ điều tra liên quan đến PVTM trên thế giới ngày càng giảm song đối với hàng hóa Việt Nam lại có xu hướng gia tăng.Việc bị áp thuế sẽ dẫn tới giá xuất khẩu hàng hóa bị áp thuế từ Việt Nam tăng lên đáng kể, làm giảm sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ Việt Nam,dẫn tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam bị giảm sút,thị phần bị thu hẹp và DN xuất khẩu Việt Nam đối mặt với rủi ro có thể mất thị trường xuất khẩu.

Việc tham gia giải quyết các vụ kiện bảo hộ thương mại làm tăng chi phí xuất khẩu của DN. Các sản phẩm của Việt Nam bị điều tra PVTM khá đa dạng, tập trung nhiều ở các sản phẩm kim loại (thép, nhôm), nông thủy sản (tôm, cá tra) và sợi.

Một số biện pháp PVTM kéo dài hàng chục năm, kéo theo chi phí theo đuổi vụ việc tốn kém. Việc theo đuổi các vụ kiện thương mại trong thời gian dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định trong sản xuất, xuất khẩu của DN. Về lâu dài, DN khó có thể đưa ra một chiến lược xuất khẩu dài hạn. Trước mắt, làm ảnh hưởng đến nguồn lực của DN, gia tăng chi phí, bất ổn trong sản xuất, xuất khẩu. Ngay khi vụ việc PVTM được khởi xướng thì các DN xuất khẩu Việt Nam đã phải đối mặt với việc đảo lộn và thay đổi kế hoạch kinh doanh, đầu tư sản xuất, chiến lược mặt hàng của DN mình để đáp ứng với những thay đổi mới của thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, việc chuyển sang thị trường xuất khẩu khác cũng sẽ gặp khó khăn hơn vì các khách hàng tại thị trường xuất khẩu mới có thể lợi dụng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại để ép giá hoặc áp đặt những điều khoản, điều kiện không có lợi cho các DN xuất khẩu Việt Nam

Thông thường một vụ việc điều tra thương mại thường kéo dài trung bình 12 tháng và có thể gia hạn tới 18 tháng, như sau đó DN còn phải đối phó với nhiều lần rà soát thuế và thời gian áp thuế trừng phạt có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, thậm chí đến 20 năm.

Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có khả năng bị kiện ồ ạt theo hiệu ứng dây chuyền. Số lượng các biện pháp bảo hộ thương mại thực hiện trên toàn cầu hiện nay đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010. Một dự báo khác đáng chú ý là các vụ kiện thương mại đối với Việt Nam tại các thị trường có truyền thống ưa chuộng sử dụng biện pháp PVTM như EU, Mỹ có chiều hướng giảm đi hoặc giữ nguyên trong khi các tranh chấp thương mại như vậy có xu hướng gia tăng tại các nước đang phát triển như Brazil, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Ai Cập… do xuất khẩu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá cao (khoảng 20%/năm), có tính tập trung cao về thị trường.

Lý do khiến các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với Việt Nam có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới là phần lớn các đối tác thương mại vẫn xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường (NME). Điều này thường dẫn đến kết quả là biên độ phá giá cao hơn, các bên tham gia vào quá trình điều tra phải bỏ thêm nhiều công sức và chi phí. Gần đây, một số nước đặc biệt là các nước phát triển đang cố gắng tạo ra những rào cản mới gắn với môi trường và tiêu chuẩn lao động để hạn chế nhập khẩu.

4. Giải pháp cho thời gian tới

Thách thức với xuất khẩu của Việt Nam còn rất lớn khi mà Việt Nam chưa giành được thế chủ động trong xuất khẩu hàng hóa cả về thị trường, sản phẩm, công nghệ sản xuất…Kinh tế Việt Nam  dự kiến đối mặt với nhiều yếu tố bất định hơn từ môi trường kinh tế thế giới như: (i) cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động đến việc chuyển hướng xuất nhập khẩu hàng hóa; nguy cơ lẩn tránh xuất xứ hàng hóa của một số nước vào Việt Nam; thay đổi chuỗi cung ứng; thay đổi dòng vốn đầu tư; (ii) việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, FTA với EU...) với yêu cầu cao hơn trong thực thi các cam kết quốc tế mà không còn được hưởng các ưu đãi đặc thù cho giai đoạn chuyển đổi như trước; (iii) cuộc cách mạng khoa học 4.0 buộc các nước đang theo đuổi chiến lược phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu và nguồn vốn đầu tư nước ngoài phải có những điều chỉnh trong chính sách phát triển kinh tế. Vì thế một số giải pháp phải được xem là những việc cần làm ngay :

- Phối hợp với các Bộ đưa nội dung tháo gỡ rào cản thị trường vào các phiên họp của các Ủy ban liên Chính phủ với các nước; chủ động nêu vấn đề rào cản kỹ thuật tại các diễn đàn khu vực (ASEAN, APEC) và đa phương (WTO). Đẩy mạnh việc tham gia và thực hiện các thủ tục về thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại như tăng cường ký kết các Thỏa thuận hợp tác hoặc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam và các nước đối tác có FTA; giảm bớt các thủ tục hải quan.

- Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Lựa chọn một số mặt hàng tiềm năng để thiết kế và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại riêng cho những mặt hàng này vào các thị trường.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin (hướng tận dụng và cách tận dụng ưu đãi FTA, nhất là về quy tắc xuất xứ và biện pháp để đáp ứng quy tắc xuất xứ) và cách phòng tránh, xử lý các tranh chấp thương mại như kiện bán phá giá; nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại đối với các hiệp hội, doanh nghiệp. Tập trung giải quyết có hiệu quả các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mà các nước đang tiến hành đối với hàng xuất khẩu.

- Ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, hàng hóa trong nước chưa sản xuất được. Triển khai tích cực Đề án cơ cấu lại các ngành công nghiệp để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thư viện và Xúc tiến thương mại - VIOIT