Bưởi Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu gì để xuất khẩu sang Hoa Kỳ?

2022-10-24

Chiều 17/10, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức công bố các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả bưởi Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.



Chiều 17/10, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức công bố các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả bưởi Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho phép nhập khẩu quả bưởi Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ từ ngày 4/10. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho phép nhập khẩu quả bưởi Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ từ ngày 4/10. Ảnh: Tùng Đinh.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đăng trên công báo liên bang (Federal Register) quyết định cho phép nhập khẩu quả bưởi tươi của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ từ ngày 4/10/2022. Tham dự sự kiện có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Sở NN-PTNT các tỉnh/thành phố; đại diện doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói và và xử lý bưởi tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ; Đại sứ quán và APHIS Hoa Kỳ tại Hà Nội.

Như vậy, quả bưởi Việt Nam (citrus maxima) là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ, sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Bên cạnh đó, một số loại trái cây khác như dừa, sầu riêng vẫn được xuất khẩu sang Mỹ nhưng dưới dạng sản phẩm đông lạnh.

Cả nước ta hiện có 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng gần 905 nghìn tấn; với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền.

Cụ thể, Đồng bằng Sông Hồng có hơn 13 nghìn ha với sản lượng trên 175 nghìn tấn, Trung du miền núi phía bắc có hơn 30 nghìn ha với sản lượng 253 nghìn tấn. Riêng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 32 nghìn ha với sản lượng khoảng 369 nghìn tấn (theo Cục Trồng trọt, 2022)... Đây là dư địa và cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam nói chung và quả bưởi tươi nói riêng để tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.

Theo quy định của Hoa Kỳ, vùng trồng và cơ sở xử lý quả bưởi Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải được đăng ký với Cục BVTV và Cơ quan kiểm dịch động-thực vật Hoa Kỳ (APHIS); quả không được nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật mà Hoa Kỳ quan tâm; được xử lý chiếu xạ; và được Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Theo đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói bưởi phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm, bao gồm các loại ruồi đục quả Bactrocera dorsalis, Zeugodacus cucurbitae; sâu đục quả Prays endocarpa và các loại nấm Cylindrocarpon lichenicola, Phyllosticta citriasiana.

Đặc biệt lưu ý trong việc áp dụng các biện pháp quản lý đối với nấm Cylindrocarpon lichenicola  Phyllosticta citriasiana như sau:

  • Loại bỏ tất cả quả rụng trước khi đưa vào nhà đóng gói
  • Phải được làm sạch, xử lý nấm và phủ sáp toàn bộ quả.
  • Loại bỏ hết lá, cuống và các bộ phận khác của cây (trừ cuống quả ngắn hơn 2,5 cm vẫn còn gắn vào quả).

Bên cạnh đó, các lô hàng bưởi tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải được xử lý chiếu xạ với với liều tối thiểu là 150 Gy, kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật. 

Để triển khai Chương trình xuất khẩu bưởi sang Hoa Kỳ, Cục BVTV sẽ phối hợp với các bên liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt sẽ tập trung tập huấn cho người sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu bưởi về các yêu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ; thực hiện đăng ký, duy trì mã số vùng trồng xuất khẩu theo TCCS 774:2020/ TCCS 775:2020 và điều kiện nhập khẩu bưởi vào Hoa Kỳ; giám sát chặt chẽ sinh vật gây hại (SVGH) và hướng dẫn phòng trừ tại vùng trồng, bảo đảm tránh tái lây nhiễm SVGH tại cơ sở đóng gói; xử lý chiếu xạ tại các cơ sở chiếu xạ được Hoa Kỳ công nhận dưới sự giám sát của APHIS và Cục Bảo vệ thực vật đối với tất cả các lô hàng xuất khẩu đi Hoa Kỳ.

Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các bên liên quan xuất khẩu bưởi tươi sang Hoa Kỳ phối hợp và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu theo Chương trình xuất khẩu được ký kết để đảm bảo cho các lô hàng bưởi từ Việt Nam được nhập khẩu vào Hoa Kỳ. 

Không thể phủ nhận tiềm năng của thị trường Hoa Kỳ với trái cây Việt. Hoa Kỳ có nhu cầu tiêu thụ lớn về trái cây, mỗi năm lên tới 12 triệu tấn. Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại (tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn) phải nhập khẩu (theo USDA, 2021).

Theo báo nông nghiệp