Nhận diện các rào cản phi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường EU và các khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam
2022-08-29
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã tạo điều kiện thuận lợi để gia tăng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU với điều kiện hàng hóa xuất khẩu phải vượt được các rào cản phi thuế quan. Đây vốn là thách thức quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các nước đang phát triển nói riêng. Bài viết nghiên cứu 2 hình thức rào cản phổ biến, bao gồm: các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) và hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) đối với các nhóm hàng xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam, từ đó đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tận dung lợi thế của Hiệp dịnh EVFTA mang lại.
Trong khi EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với kim ngạch nhập khẩu hàng năm khoảng 5.015 tỷ USD (năm 2020), xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 40 tỷ USD, chiếm thị phần rất khiêm tốn so với tiềm năng nhập khẩu EU. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU tăng 14,2% so với năm 2020, đạt 40,12 tỷ USD. Trong đó, Hà Lan và Đức là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Khoảng hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Do đó, với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong các Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, UKFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam còn rất nhiều dư địa. Đặc biệt, vì sự khác biệt về điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, kinh tế nông nghiệp của các bên mang tính bổ sung nhau rất thuận lợi, tiềm năng xuất khẩu sang thị trường EU trong lĩnh vực nông lâm thủy sản rất lớn, tuy nhiên rào cản cũng không nhỏ.
Các biện pháp phi thuế quan (Non-tariff measures-NTMs) là các biện pháp không phải thuế quan, nhưng có tác động kinh tế lên thương mại hàng hóa giữa các quốc gia. Trên thế giới, các biện pháp phi thuế quan đang thay thế các biện pháp thuế quan trở thành rào cản đáng kể đối với thương mại hàng hóa, nhất là các luồng hàng xuất khẩu từ các nước đang phát triển sang thị trường các nước phát triển. Trong thị trường các nước phát triển, EU được nhìn nhận là thị trường nhập khẩu quy mô lớn của thế giới có yêu cầu tiêu chuẩn cao.
Tần suất sử dụng các biện pháp phi thuế quan (NTM) đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc hàng cao nhất trên thế giới với tỷ lệ các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS) và Biện pháp rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) là rất phổ biến. Các nhóm hàng hóa có tần suất áp dụng SPS và TBT nhiều nhất khi nhập khẩu vào EU là rau quả, thực phẩm chế biến, dệt may, đồ da, hóa chất, giày dép, sản phẩm nhựa… và đây cũng chính là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Vì vậy, việc nghiên cứu và nắm bắt bản chất của các rào cản phi thuế quan này là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết Hiệp định EVFTA và các doanh nghiệp cần đạt đủ điều kiện tiêu chuẩn đáp ứng tốt các biện pháp SPS và TBT mới có thể khai thác lợi thế cắt giảm thuế quan từ Hiệp định để gia tăng xuất khẩu vào EU.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Dự kiến, trong vòng 10 năm tới, 99% dòng thuế sẽ được giảm về 0% cho cả hai bên. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất trong các hiệp định Việt Nam đã ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất hiện nay.
Ngoài EVFTA với Việt Nam, EU có 41 FTA khác đã có hiệu lực với 78 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng chủ yếu tập trung ở khu vực châu Âu và châu Mỹ. Tại khu vực châu Á, EU chỉ mới thiết lập mối quan hệ FTA với 12 nước, trong đó ở khu vực Đông Nam Á chỉ có Việt Nam và Singapore. Như vậy, trong ngắn hạn, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ có lợi thế cạnh tranh đáng kể so với nhiều đối thủ khác trong khối Đông Nam Á nhờ EVFTA. Triển vọng xuất khẩu hấp dẫn này sẽ còn thu hút đầu tư FDI từ các quốc gia chưa có ký kết các Hiệp định với EU.
Để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU hưởng được lợi thế ưu đãi thuế quan này, cơ bản cần 2 điều kiện, thứ nhất hàng hóa phải đáp ứng ứng tiêu chuẩn thị trường yêu cầu mà cụ thể là các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS ) và rào cản kỹ thuật (TBT) liên quan đến sản phẩm, thứ hai sản phẩm phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ.
Các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật SPS (Sanitary and Phytosanitary) bao gồm tất cả luật, nghị định, quy định, yêu cầu và thủ tục liên quan mà chính phủ áp dụng để bảo vệ cuộc sống hay sức khỏe con người, động vật hoặc thực vật khỏi những rủi ro phát sinh từ sự xâm nhập hoặc lây lan của các loại sâu bệnh hay bệnh dịch qua động vật hay thực vật, hoặc từ các chất phụ gia, chất gây ô nhiễm, độc tố, hay sinh vật gây bệnh trong thực phẩm, đồ uống hay thức ăn chăn nuôi.
Biện pháp SPS dựa trên cơ sở khoa học (đánh giá rủi ro) hoặc tiêu chuẩn quốc tế (CODEX, OIE và IPPC) minh bạch và không phân biệt đối xử.
EVFTA có một Chương riêng về áp dụng các biện pháp SPS của các Bên. Mục
đích của chương này tương tự như mục đích của Hiệp định SPS của WTO: bảo vệ tính
mạng hoặc sức khỏe con người, động vật hoặc thực vật trên lãnh thổ của mỗi Bên trong khi vẫn tạo điều kiện cho thương mại giữa các Bên và đảm bảo sao cho các biện pháp SPS áp dụng của mỗi Bên không tạo ra rào cản không cần thiết đối với thương mại. Cụ thể trong EVFTA, Chương SPS hướng tới 2 mục tiêu: (1) tăng cường thông tin, hợp tác và giải quyết các vấn đề SPS có tác động đến thương mại giữa các (2) tăng cường tính minh bạch và sự hiểu biết về việc áp dụng các biện pháp SPS của mỗi bên.
Các SPS cụ thể là các quy định liên quan phụ gia trong thực phẩm hoặc đồ uống, chất gây ô nhiễm trong thực phẩm hoặc đồ uống, chất độc trong thức ăn hoặc đồ uống, dư lượng thuốc thú y hoặc thuốc trừ sâu trong thực phẩm hoặc đồ uống, các loại chứng nhận: an toàn thực phẩm, giấy kiểm dịch động/thực vật, các phương pháp xử lý trước vì mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm, yêu cầu ghi nhãn liên quan trực tiếp an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, tuyên bố các khu vực không có dịch hại hoặc bệnh tật, ngăn ngừa dịch bệnh hoặc dịch hại lây lan sang nước khác
Biện pháp rào cản kỹ thuật trong thương mại TBT (là các biện pháp đề cập đến quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn, trừ các biện pháp thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định SPS bao gồm: (i) Quy chuẩn kỹ thuật: quy định các đặc tính sản phẩm hoặc quy trình và phương pháp sản xuất liên quan mà việc tuân thủ là bắt buộc; ii) Tiêu chuẩn: được chấp thuận bởi cơ quan được công nhận mà việc tuân thủ là tự nguyện; iii) Quy trình đánh giá sự phù hợp, để xác định việc đáp ứng các yêu cầu liên quan trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn (ví dụ như kiểm nghiệm, xác minh, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận).
EVFTA có một Chương riêng về áp dụng các biện pháp TBT của các Bên. Trong đó có quy định cụ thể về Chấp nhận tương đương quy chuẩn kỹ thuật. Để đáp ứng yêu cầu của EVFTA, quy chuẩn kỹ thuật phải được xây dựng căn cứ trên tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) và Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Codex (CAC), trừ khi những tiêu chuẩn này không phù hợp nhưng yêu cầu phải giải thích lý do vì sao tiêu chuẩn quốc tế đó được coi là không phù hợp (như bảo vệ sức khỏe, an toàn, bảo vệ môi trường).
Các TBT, cụ thể là các quy định liên quan dán nhãn thực phẩm, đồ uống và thuốc, phân loại và các yêu cầu chất lượng thực phẩm, các yêu cầu đóng gói cho thực phẩm, đóng gói và dán nhãn nguy hiểm hóa chất và chất độc hại, quy định đối với các thiết bị điện, quy định đối với điện thoại không dây, thiết bị vô tuyến, ghi nhãn hàng dệt may, kiểm tra xe và phụ kiện, quy định cho tàu, trang thiết bị, quy định an toàn cho đồ chơi. (World Trade Organization, 2021).
Bảng: Một sản phẩm có thể đồng thời áp dụng cả 2 biện pháp SPS và TBT
Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ phải tuân thủ các quy định về SPS mà EU ban hành (áp dụng thống nhất ở tất cả các nước thành viên) tuy nhiên, việc kiểm tra sự phù hợp của hàng hóa Việt Nam đối với các quy định đó sẽ do cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu chịu trách nhiệm.
Trong thực tế, các nhà nhập khẩu Châu Âu chịu trách nhiệm đảm bảo rằng tất cả thực phẩm nhập khẩu vào EU đều tuân thủ yêu cầu của luật thực phẩm EU và cung cấp được bằng chứng về sự tuân thủ của mình khi được yêu cầu. Do đó, các nhà nhập khẩu EU phải yêu cầu nhà cung cấp của nước thứ ba đáp ứng yêu cầu của luật thực phẩm EU.
Quy định của EU thường xuyên được điều chỉnh và thay đổi. Do vậy, các nhà sản xuất và công ty xuất khẩu sản phẩm sang EU cần lưu ý phải kiểm tra, cập nhật văn bản pháp luật liên quan của EU và thông tin do EC cung cấp.
Quy định (EU) 178/2002 (Luật Thực phẩm chung của EU) áp dụng cho tất cả các công đoạn sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm (từ trang trại đến bàn ăn). Tất cả sản phẩm thực phẩm xuất khẩu sang EU phải tuân thủ các yêu cầu của quy định này.
Quy định của EU về thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng tối đa cho phép (MRL)
trên thực phẩm. Danh mục MRL đã được EU phê duyệt cho thực phẩm và thức ăn chăn nuôi thường xuyên được cập nhật, xu hướng chung là hạ thấp mức dư lượng cho phép của thuốc bảo vệ thực vật. Quy định 396/2005 về mức dư lượng tối đa của thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc thực vật và động vật. Phiên bản gần nhất cho đến thời điểm này là ngày 14/02/2022 và cập nhật mới 16/5/2022.
Quy định số 2021/1890 về thực hành các tiêu chuẩn marketing cho mặt hàng rau quả tại thị trường EU. Tiêu chuẩn marketing cụ thể áp dụng cho 10 sản phẩm tươi: táo, cam quýt, kiwi, rau diếp (lá xoăn và lá rộng), đào và xuân đào, lê, dâu tây, ớt ngọt, nho và cà chua. Các sản phẩm này được chia làm 3 nhóm (loại thượng hạng, loại I và loại II) và có quy tắc cụ thể khi trình bày và dung sai cho phép về chất lượng và kích thước. Quy định đưa ra các tiêu chí về yêu cầu chung, độ chín, nhãn mác, phân loại sản phẩm và đưa ra các yêu cầu cụ thể cho từng sản phẩm.
Quy định về các thủ tục quản lý an toàn thực phẩm dựa trên nguyên tắc Phân tích các mối nguy và điểm kiểm soát quan trọng (the Hazard Analysis and Critical Control Point- HACCP). Với trái cây tươi, các nhà nhập khẩu EU cũng thường yêu cầu một số loại chứng nhận an toàn thực phẩm; phổ biến nhất là GLOBAL G.A.P.
Thống kê từ Văn phòng SPS Việt Nam năm 2021, Việt Nam nhận 40 thông báo (SPS), trong đó đối với sản phẩm thủy sản: 18 thông báo; sản phẩm nông sản và thực phẩm: 22 thông báo. Các vi phạm chủ yếu là mức dư lượng hóa chất: 19 thông báo; vi phạm chiếu xạ trái phép, phụ gia thực phẩm: 8 thông báo; ô nhiễm sinh vật: 7 thông báo; dư lượng kháng sinh: 5 thông báo.
Từ tháng 1 - 5/2022, hàng nông, thủy sản và thực phẩm xuất khẩu Việt Nam nhận được cảnh báo vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của EU - SPS, cụ thể: Thủy sản: 7 thông báo; quả tươi: 5 thông báo; gạo: 4 thông báo, thảo mộc: 2 thông báo, mỳ ăn liền: 10 thông báo và 8 thông báo đối với các sản phẩm khác. Số lượng cảnh báo gia tăng khi kim ngạch xuất khẩu gia tăng cho thấy các biện pháp SPS, TBT tiếp tục là thách thức với doanh nghiệp Việt Nam.
EU thực hiện một bộ chính sách và hành động gọi là Thỏa thuận xanh Châu Âu, với mục tiêu đến năm 2050 nền kinh tế châu Âu sẽ bền vững hơn và trung hòa cacbon. Kế hoạch hành động cũng đưa ra mục tiêu giảm 50% thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng và tăng tỷ lệ đất nông nghiệp dùng cho nông nghiệp hữu cơ lên 25% vào năm 2030. Điều này có nghĩa là nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ bị cấm tại EU, và mức dư lượng sẽ giảm dần trong những năm tới.
Quy định của EU thường xuyên được điều chỉnh và thay đổi. Do vậy, các nhà sản xuất và công ty xuất khẩu sản phẩm sang EU cần lưu ý phải kiểm tra, cập nhật văn bản pháp luật liên quan của EU, thường xuyên rà soát các thông báo về thay đổi quy định của EU.
Đối với các sản phẩm thủy sản cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về chất lượng thức ăn chăn nuôi trong nuôi trồng thuỷ sản và kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, chế biến.
Đối với các sản phẩm trái cây, thực phẩm chế biến cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về hóa chất bảo vệ thực vật (MLR), kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, đóng gói,…
Các doanh nghiệp có thể rà soát các thông báo về thay đổi quy định của EU qua cổng thông tin ePing. ePing là sáng kiến chung của UN, WTO và ITC, là công cụ trực tuyến cho phép các bên liên quan có thể truy cập và thảo luận những thông báo SPS/TBT của WTO có ảnh hưởng tới sản phẩm và thị trường mà mình quan tâm một cách kịp thời. Vì vậy, doanh nghiệp cần đăng ký ePing, để nhận được email cảnh báo hàng ngày hoặc hàng tuần các thông báo SPS/TBT liên quan các sản phẩm vào thị trường EU.
Ngoài ra các Doanh nghiệp liên quan ngành hàng thực phẩm cần cập nhật thông tin qua Cổng thông tin RASFF của Liên minh EU - Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi - cho phép các nước thành viên EU phản ứng nhanh khi phát hiện ra trong chuỗi thực phẩm có nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng và thông báo kịp thời.
Tại Việt Nam, Cổng thông tin quốc gia về SPS và TBT là kênh quan trọng doanh nghiệp cần nắm bắt, tuy nhiên cổng này cần cập nhật chi tiết hơn.
Điều kiện cần để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường EU là phải đáp ứng các yêu cầu của TBT và SPS. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư cả về chiều sâu và chiều rộng, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và toàn bộ quy trình sản xuất, chứ không chỉ ở chặng cuối mới có thể vượt qua thách thức về các biện pháp SPS, TBT.
Hiện nay, các tiêu chuẩn của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế còn một khoảng cách. Ví dụ như Việt Nam đang áp dụng phổ biến tiêu chuẩn VietGap, tuy nhiên, các thị trường nhập khẩu và người tiêu dùng toàn cầu ưa chuộng các tiêu chuẩn Global Gap, BAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác. Doanh nghiệp Việt cần hướng đến các chuẩn EU để thiết kế quy trình sản xuất, chế biến, nuôi trồng sản phẩm. Dù rằng các tiêu chuẩn này cao hơn Việt Nam và các chuẩn ở các thị trường khác, việc đầu tư từ đầu sẽ khó khăn, mất chi phí nhiều hơn nhưng với tầm nhìn dài hạn sẽ giúp cho thâm nhập thị trường EU bền vững và một khi đã tiếp cận được thị trường EU thì việc đa dạng hóa sang các thị trường khác sẽ được tạo đà phát triển thuận lợi hơn. Điều này đòi hỏi tư duy cấp lãnh đạo doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước.
EU thực hiện một bộ chính sách và hành động gọi là Thỏa
thuận xanh châu Âu, với mục tiêu đến năm 2050 nền kinh tế châu Âu sẽ bền vững hơn và trung hòa cacbon. Kế hoạch hành động cũng đưa ra mục tiêu giảm 50% thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng và tăng tỷ lệ đất nông nghiệp dùng cho nông nghiệp hữu cơ lên 25% vào năm 2030. Điều này có nghĩa là nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ bị cấm tại EU, và mức dư lượng sẽ giảm dần trong những năm tới. Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý xu hướng tiêu dùng hữu cơ này trong chiến lược phát triển dài hạn.
EVFTA mở ra triển vọng xuất khẩu hấp dẫn, mặt tích cực sẽ thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam nhiều hơn, nhất là từ những quốc gia sản xuất chưa có các thỏa thuận thương mại thuận lợi với EU như Việt Nam. Việc giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu sẽ tăng nguy cơ EU áp dụng các hàng rào thuế quan TBT và SPS khẩn cấp và các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam.
Việc ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận xuất xứ đòi hỏi sự tham gia, chung tay của nhiều bộ, ngành, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức về phòng chống gian lận xuất xứ, không tiếp tay cho những hành vi gian lận và cần có sự phối hợp đầy đủ của các cơ quan liên quan và vai trò cung cấp thông tin kịp thời theo thời gian thực của Tổng cục Hải quan.
Nguồn bài viết: tapchicongthuong.vn