Việt Nam tạo điều kiện mở cửa thị trường cho nông sản EU

2022-07-16



Ngày 11/7, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến có buổi gặp mặt và trao đổi với Cao ủy Nông nghiệp Janusz Wojciechowski cùng đoàn doanh nghiệp EU tại trụ sở Bộ NN-PTNT.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đây là dịp để hai bên thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, nhất là thương mại và những lĩnh vực còn nhiều dư địa. Ảnh: Hoàng Giang.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đây là dịp để hai bên thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, nhất là thương mại và những lĩnh vực còn nhiều dư địa. Ảnh: Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chuyến đến thăm Việt Nam lần này của Cao ủy Nông nghiệp Janusz Wojciechowski và đoàn doanh nghiệp EU là dịp để hai bên thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, nhất là thương mại và những lĩnh vực còn nhiều dư địa sau gần 2 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực.

Ông Janusz Wojciechowski nhận định chuyến thăm này sẽ tạo cơ sở để EU và Việt Nam tăng cường mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thương mại nông sản, cũng như tăng cường mối quan hệ về thương mại giữa doanh nghiệp hai bên.

Việt Nam ưu tiên mở cửa thị trường cho nông sản EU

Trong lĩnh vực nông sản, hiện nay các nước thành viên EU vẫn đang có 65 đơn đăng ký mở cửa thị trường đang chờ phía Việt Nam xét, trong đó chủ yếu là các sản phẩm từ thịt và thực vật gồm trái cây và rau quả.

“Có nhiều đơn đăng ký đã được gửi cho phía Việt Nam từ giai đoạn 2014 - 2015, và tôi cũng lưu ý là từ 2018 đến nay Việt Nam chưa cấp giấy phép mở cửa thị trường nào cho các sản phẩm rau củ của phía EU. Tôi xin đề nghị phía Việt Nam xem xét đẩy nhanh tiến trình đánh giá và phê duyệt đơn đăng ký mở cửa thị trường, đưa ra một khung thời gian hoặc mốc thời gian rõ ràng, cụ thể, minh bạch cho tiến trình vốn đã trải qua rất nhiều thời gian này”, ông Janusz Wojciechowski nói.

Đề cập đến vấn đề thẩm tra hồ sơ nhập sản phẩm rau củ quả vào Việt Nam từ phía EU, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết hiện trong quá trình xét duyệt đề nghị mở cửa thị trường, riêng về phía EU, Cục BVTV luôn dành sự ưu tiên thúc đẩy mở cửa thị trường rau củ quả từ EU sang Việt Nam.

Đáp lại ý kiến của Cao ủy Nông nghiệp, ông Nguyễn Quý Dương chia sẻ rằng việc mở của thị trường còn liên quan đến vấn đề đàm phán kĩ thuật giữa hai bên. Trong trường hợp từ giờ đến cuối năm, với các quốc gia đã hoàn thành xong thủ tục, chỉ còn khâu kiểm tra thị trường, phía Việt Nam có thể mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản nước bạn, ví dụ như táo của CH Séc, kiwi của Hy Lạp, táo của Hungary.

Ông Janusz Wojciechowski hi vọng phía Việt Nam sẽ tiếp tục có những động thái mở cửa thị trường cho các nước thành viên EU trong thời gian tới. Ảnh: Hoàng Giang.

Ông Janusz Wojciechowski hi vọng phía Việt Nam sẽ tiếp tục có những động thái mở cửa thị trường cho các nước thành viên EU trong thời gian tới. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Ông Janusz Wojciechowski cũng khuyến khích Việt Nam khôi phục lại việc tiến hành kiểm tra thực tế tại các cơ sở chế biến và xuất khẩu của EU. Ông cũng đề cập đến đề xuất trước đây của ông với phía Việt Nam: Trong trường hợp chưa thể tiến hành kiểm tra thực tế tại EU, có thể thay thế bằng kiểm tra trực tuyến.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết quy định của Việt Nam yêu cầu kiểm tra trực tiếp, vì vậy cần đàm phán và báo cáo lại với Cục trưởng để có quyết định chính thức. Một điều cần lưu ý là việc kiểm tra trực tiếp hiện nay đã khả thi khi việc di chuyển giữa EU và Việt Nam đã trở nên dễ dàng hơn.

Về các sản phẩm động vật, ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y, cho biết chỉ riêng từ năm 2020 đến nay, các quốc gia thành viên EU đã xuất khẩu vào Việt Nam 2.627 mặt hàng động vật và sản phẩm động vật. Hiện nay Cục Thú y đang tiếp nhận các bộ hồ sơ từ 22 quốc gia thành viên EU có nhu cầu xuất khẩu 14 loại sản phẩm vào Việt Nam. Phía Cục đã có văn bản trao đổi rất cụ thể với cơ quan thẩm quyền của các quốc gia này.

“Gần đây, ngày 23/5, chúng tôi đã nhận được văn bản của Phái đoàn EU liên quan đến hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, và chúng tôi đã có văn bản trả lời cụ thể. Các sản phẩm ăn ngay đã qua xử lý nhiệt không cần đăng ký và đưa vào danh sách mà chỉ cần thực hiện các quy định về kiểm dịch. Tất cả doanh nghiệp đề cập ở trên đều được công bố trang web của Cục Thú y và có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền của các nước EU về danh sách các doanh nghiệp đã được chấp nhận”, ông Long cho biết.

Sát sao kiểm tra chuyên môn không phải là một sự "phân biệt đối xử"

Cao ủy Nông nghiệp đã đề cập đến các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) - một trong những vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ hợp tác thương mại hai bên. Việt Nam đã có nhiều tiến triển tích cực trong việc tuân thủ các quy định SPS trong khuôn khổ EVFTA, thể hiện qua các hành động như lập danh sách các cơ sở trong chuỗi sản xuất và thực thi nguyên tắc phân vùng nguyên liệu. Ông Janusz Wojciechowski đánh giá cao việc Việt Nam công nhận EU là một thể thống nhất, và thông qua đó hai bên có thể áp dụng những điều kiện nhập khẩu đồng nhất, minh bạch đối với tất cả những nước thành viên EU.

“Tuy nhiên hiện nay vẫn còn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa một số quốc gia, gây quan ngại cho các quốc gia thành viên EU. Ví dụ, một số điều kiện nhập khẩu đối với mặt hàng nông sản của Ý so với Pháp hay Séc đã có sự khác biệt. Chính vì thế chúng tôi mong muốn hai phía sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán để có thể hài hòa hóa những chứng nhận của EU. Điều này sẽ có lợi trong việc công nhận thực thể thống nhất này”, ông Janusz Wojciechowski kiến nghị.

Việt Nam luôn dành sự ưu tiên thúc đẩy mở cửa thị tường rau củ quả từ EU sang Việt Nam. Ảnh: EC.

Việt Nam luôn dành sự ưu tiên thúc đẩy mở cửa thị tường rau củ quả từ EU sang Việt Nam. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

TS Đào Văn Cường, đại diện Văn phòng SPS Việt Nam cho biết Việt Nam không có sự phân biệt đối xử giữa các quốc gia thành viên EU. “Việt Nam đồng ý với quan điểm công nhận EU là một thực thể thống nhất, tuy nhiên thực tế cho thấy vị trí địa lý khác nhau cùng những đặc thù về môi trường và thời tiết sẽ dẫn đến sự tồn tại của các dịch hại khác nhau. Vì thế cơ quan chuyên môn của Việt Nam cần đánh giá rủi ro của nông sản của thành viên EU. Ví dụ, táo của Pháp không có bệnh A, nhưng táo của Séc tiềm ẩn nguy cơ bệnh A, nên việc đánh giá táo của Séc là cần thiết. Đây không phải phân biệt đối xử”.

Đề cập tới tình hình EU tạm thời tăng tần suất lấy mẫu kiểm tra các mặt hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam, TS Đào Văn Cường cho biết với mặt hàng thanh long, trong năm 2021 Việt Nam đã thực hiện tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRLs) nên không có lô hàng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, chỉ có 2 lô hàng bị vi phạm, 1 lô hàng bị suy giảm cảm quan và 1 lô hàng bị cảnh báo do dư lượng chất diệt nấm. Về các sản phẩm rau mùi, húng quế, bạc hà, ngò tây, đậu bắc, Việt Nam đã kiểm soát tốt dư lượng thuốc BVTV nên không có lô hàng nào bị cảnh báo.

Nguồn bài viết: Báo Nông nghiệp Việt Nam