Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

2022-03-03

Chương 7. Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật



Chương SPS về biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong CPTPP nhắc lại các nghĩa vụ trong Hiệp định SPS của WTO.

Hiệp định SPS không hạn chế quyền của các nước trong việc áp dụng các biện pháp SPS để bảo vệ sức khỏe của con người, động và thực vật trên lãnh thổ nước mình, nhưng yêu cầu các nước phải đảm bảo các biện pháp đó (i) dựa trên các căn cứ khoa học hoặc theo các tiêu chuẩn, hướng dẫn, khuyến nghị quốc tế và (ii) phải được áp dụng ở mức cần thiết, không gây cản trở thương mại và không phân biệt đối xử giữa các sản phẩm trong nước và nước ngoài.

Phần mở rộng hơn so với WTO là về hợp tác và tham vấn kỹ thuật trong các vấn đề SPS; tăng cường minh bạch trong công nhận hệ thống quản lý và các biện pháp SPS của nhau, công nhận điều kiện vùng và khu vực (về tình hình sâu hại và dịch bệnh và thương mại), chứng nhận và kiểm tra nhập khẩu đối với hàng hóa nông sản thực phẩm nhập khẩu.

CPTPP có các cam kết sâu hơn Hiệp định SPS của WTO về một số nội dung liên quan tới 04 khía cạnh sau:

Về quy trình phân tích khoa học và rủi ro

Các nước CPTPP cam kết bảo đảm rằng:

- Các biện pháp SPS phải dựa trên các nguyên tắc khoa học, tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế (các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quốc tế được WTO công nhận là CODEX, OIE và IPPC) hoặc dựa trên việc đánh giá rủi ro khách quan theo đúng yêu cầu của WTO;

- Việc đánh giá rủi ro phải được thực hiện minh bạch, có ghi chép lại và cho phép các chủ thể liên quan và các nước CPTPP cơ hội để bình luận;

- Việc đánh giá rủi ro phải được tiến hành phù hợp với bối cảnh rủi ro liên quan, đồng thời tính đến các dữ liệu khoa học, thông tin định tính, định lượng có liên quan;

- Nếu sau khi đánh giá rủi ro, nước nhập khẩu ban hành biện pháp SPS cho phép nhập khẩu, thì nước này phải áp dụng biện pháp đó trong một khoảng thời gian hợp lý;

- Biện pháp quản lý rủi ro không gây cản trở thương mại vượt quá mức cần thiết và phải tính đến điều kiện kinh tế và kỹ thuật liên quan.

Thanh tra về SPS

Thanh tra về SPS là quy trình do nước nhập khẩu tiến hành đối với hệ thống thanh tra SPS của nước xuất khẩu hàng hóa, nhằm đảm bảo rằng hệ thống kiểm soát SPS của nước xuất khẩu đối với hàng xuất khẩu đáp ứng được các mục tiêu SPS của nước nhập khẩu (và từ đó kết quả kiểm soát SPS của nước xuất khẩu có thể được nước nhập khẩu chấp nhận/công nhận).

Quy trình này bao gồm cả việc đánh giá về (các) cơ quan có thẩm quyền, về hệ thống, chương trình giám sát và hạ tầng kỹ thuật của nước xuất khẩu.

- CPTPP ghi nhận quyền thanh tra về SPS của các nước nhập khẩu nhưng đòi hỏi việc thanh tra này phải đảm bảo một số yêu cầu nhất định, ví dụ:

- Việc thanh tra phải có tính hệ thống, và phải hướng tới (phục vụ) việc đánh giá hiệu quả hoạt động kiểm soát SPS của nước xuất khẩu;

- Trước khi tiến hành thanh tra, nước nhập khẩu và nước xuất khẩu phải thảo luận và quyết định về mục tiêu, phạm vi, tiêu chí, thủ tục và các bước thanh tra;

- Nước nhập khẩu phải cho nước xuất khẩu cơ hội để bình luận về các kết luận sau thanh tra;

- Nước xuất khẩu phải được thông báo bằng văn bản về kết quả thanh tra và phải được tạo cơ hội để góp ý kết quả này;

- Kết luận thanh tra cuối cùng phải dựa trên bắng chứng khách quan và số liệu xác thực.

Về việc kiểm tra chuyên ngành SPS khi nhập khẩu

Theo cam kết trong CPTPP, liên quan tới quy trình kiểm tra chuyên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm khi nhập khẩu, các nước CPTPP phải:

- Bảo đảm rằng việc kiểm tra của mình là dựa trên các nguy cơ gắn với việc nhập khẩu, quy trình kiểm tra nhanh chóng;

- Cung cấp các thông tin về quy trình, căn cứ, tần suất kiểm tra chuyên ngành SPS cho nước CPTPP khác nếu được yêu cầu;

- Bảo đảm rằng việc kiểm tra được tiến hành đúng phương pháp, thiết bị và theo các tiêu chuẩn áp dụng đối với phòng thí nghiệm quốc tế;

- Nếu sau khi kiểm tra, nước nhập khẩu quyết định cấm hoặc hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa liên quan thì phải thông báo kết quả kiểm tra trong vòng 07 ngày cho ít nhất là một trong số các chủ thể sau: người nhập khẩu, người xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc Cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu. Thông báo này phải bao gồm nguyên nhân cấm/hạn chế nhập khẩu, căn cứ pháp lý; hiện trạng của hàng hóa liên quan và cách thức xử lý, nếu có. Và quyết định cấm/hạn chế này phải được rà soát lại sau đó theo yêu cầu của nước xuất khẩu.

Về biện pháp SPS khẩn cấp

CPTPP cho phép các nước được áp dụng các biện pháp SPS khẩn cấp cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người, động, thực vật. Tuy nhiên khi áp dụng biện pháp này, nước áp dụng phải bảo đảm các yêu cầu:

- Thông báo nhanh chóng cho các nước Thành viên khác, và

- Trong vòng 6 tháng sau đó nước này phải rà soát lại căn cứ khoa học của biện pháp khẩn cấp và nếu sau rà soát vẫn tiếp tục duy trì biện pháp này thì phải định kỳ rà soát lại.